Bên cạnh nỗi đau xé lòng vĩnh viễn mất đi một người thân - một người tốt - một người tài, còn một nỗi đau khác vì ý thức người dân quanh tang lễ Wanbi Tuấn Anh. Tang lễ chàng ca sĩ đoản mệnh tạm khép lại sau 3 ngày chìm đắm trong tiếc thương của người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Song, bên cạnh nỗi đau xé lòng vì vĩnh viễn mất đi một đứa con hiếu thuận, một người anh gắn bó, một đồng nghiệp hiền lành, một nghệ sĩ tận tâm... thì tất cả những ai yêu mến
Wanbi Tuấn Anh - hoặc chỉ cần có trái tim và đạo đức - còn phải đối diện với một nỗi đau khác: nỗi đau nhói lòng về ý thức người dân quanh khu vực nhà
Wanbi và nơi linh cữu anh được đưa đến hỏa táng - nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa.
Một người chết, trăm người... vui Suốt 3 ngày 2 đêm tang sự diễn ra, cả con phố nơi gia đình
Wanbi Tuấn Anh sinh sống bỗng trở nên tấp nập, rộn ràng như... mở hội. Lý do là vì số lượng bạn bè của
Wanbi trong showbiz không hề ít. Lại thêm tính cách hiền hòa, lương thiện và tinh thần lạc quan đáng nể khi đối mặt với bệnh tật, nên chàng ca sĩ "Đôi mắt" được hầu như cả showbiz Việt yêu mến. Từ ca sĩ, diễn viên, đến hoa hậu, người mẫu... từ tiếng tăm đến mới nổi, đều có thể nhìn thấy tại con phố nhỏ này trong 3 ngày qua.
Thế là không chỉ người dân quanh đây mà ngay cả người nơi khác cũng rủ rê nhau đến tụ tập đông nghẹt trước con hẻm nhỏ vào nhà
Wanbi bất kể sớm khuya để... đón người nổi tiếng. Nhưng nếu họ chỉ lẳng lặng đứng bên xem thôi thì còn có thể thông cảm rằng do tính hiếu kỳ, không phải ai cũng gặp được ngôi sao. Đằng này, dùng mắt nhìn chưa đủ, họ còn phải kêu réo, bình luận, vỗ tay, cười cợt, thậm chí nhào vào người nghệ sĩ sờ mó hoặc xin chữ ký, chụp ảnh... Có nhóm sau khi đứng trước hẻm nhìn vào một lúc thì bảo nhau
"Giờ này chưa có nghệ sĩ đâu, về thôi, chiều quay lại". Trẻ con thì cầm giấy bút đuổi theo xin chữ ký, người lớn thì dí sát điện thoại di động vào mặt nghệ sĩ chụp ảnh, quay phim, không quan tâm người kia có bao nhiêu đau đớn, thẫn thờ trên gương mặt.
Trường hợp ca sĩ
Đông Nhi, để đến được với cậu bạn thân, cô phải vượt qua đám đông hiếu kỳ chen lấn, xô đẩy. Yếu ớt bước đi liêu xiêu, đôi mắt sưng húp vì khóc,
Đông Nhi phải nhờ bảo vệ dìu vào trong. Hay như
Đan Trường, dù đến khá trễ giữa đêm nhưng anh vẫn không thoát khỏi vòng vây người hâm mộ cuồng nhiệt đeo đuổi đến hỗn loạn. Còn
Hồ Ngọc Hà, thậm chí còn được bạn - gần như - ẵm ra xe mới có thể trở về...
Nếu đây là một hỷ sự thì đám đông này chỉ như đám hát rộn ràng góp vui, cùng lắm gây phiền hà chút ít. Đằng này đây là một tang sự, cả gia chủ lẫn khách khứa đều mang trong lòng buồn đau khôn xiết. Vậy nên đám đông kia trở nên kệch cỡm hơn bao giờ, sự vô tư hóa vô tâm, vô tâm thành nhẫn tâm. Cái văn hóa cơ bản và đạo đức tối thiểu của một con người dường như đã bị lãng quên sạch sẽ.
Đám ma có gì phải... khóc? Khủng khiếp hơn cả đám đông “fan hâm mô của mọi nhà” trong khu phố nhà
Wanbi là lực lượng người dân hiếu kỳ tại nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa. Với số lượng lên đến hàng ngàn người và mức độ quá khích gấp nhiều lần.
Buổi sáng khi linh cữu của
Wanbi được đưa đến nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa, tại đây, từ cổng lớn trải dài đến cửa phòng cử hành nghi thức cuối đều đã đông nghẹt người. Đội dân phòng phải vào cuộc, hỗ trợ bảo vệ của gia quyến trấn áp đám đông hỗn loạn. Gậy chích điện cũng được sử dụng tối đa để cảnh cáo. Tiếng lách tách vọng đến tận cổng, nhưng hỗn loạn vẫn hỗn loạn, người sau xô người trước, cố phá vòng chắn lao vào trong. Có người còn biện minh:
“Người ta hâm mộ nên mới chen lấn vào xem mà”. Hâm mộ là thế sao? Mỗi khi có nghệ sĩ đi vào thì đám đông liền kích động thò tay chụp giật, điện thoại giơ cao đều tăm tắp.
Phạm Quỳnh Anh vì sợ muộn nên chạy vội vào và vô tình vấp ngã. Khi cô dừng lại, có người còn lớn tiếng:
“Phạm Quỳnh Anh kìa! Sao mặt “một đống” vậy? Sao không cười?” Xin hỏi, cười cái gì? Có gì đáng cười ở đây? Thậm chí khi linh cữu
Wanbi được hạ xuống, toàn thể người thân, bạn bè đều òa khóc nức nở. Ấy vậy mà kẻ đứng ngoài lại như xem kịch, “ngây ngô” hỏi:
“Có gì phải khóc dữ vậy?” Câu hỏi này ai có thể trả lời đây?!
Tệ hại hơn, ngay trong giờ phút gia quyến gửi lời cảm ơn đến đoàn người cùng tiễn đưa
Wanbi về nơi an nghỉ cuối cùng. Thì bên ngoài, đám đông ra sức đập phá lớp vách ngăn bằng gỗ ghép của căn phòng hành lễ. Bọn họ ráng tạo khe nứt để nhìn vào trong, một tấm vách còn bị đập bung ra treo lủng lẳng. Bảo vệ phải trấn áp cả bên trong lẫn ngoài để đảm bảo an ninh cho người bên trong tĩnh tâm hành lễ. Một số phóng viên ngứa mắt không chịu nổi phải tự giác xông lên giúp bảo vệ một tay đẩy lùi “giặc” bên ngoài.
Và như đã thành lệ, ở đâu có đám đông, ở đó có trộm cắp. Tại Bình Hưng Hòa sáng qua, lợi dụng chen lấn xô đẩy, rất nhiều người đã bị móc túi, trong đó có ca sĩ
Tóc Tiên.
Nhân danh công lý - Thỏa trí tưởng tượng Sự ra đi của
Wanbi khi tuổi đời còn quá trẻ gây xót xa trong lòng người ở lại. Cho dù thân hay sơ, quen hay chỉ vừa biết, ai cũng tỏ lòng tiếc thương chàng trai lương thiện và xem anh như tấm gương lạc quan, trân trọng cuộc đời. Thế nhưng, không ít người quá khích vì cảm thấy ông Trời bất công với
Wanbi nên... quay ngược ra chỉ trích những người còn sống khỏe mạnh; cũng không ngoại trừ kẻ "mượn gió bẻ măng", sỉ nhục người khác.
Trong tất cả bài báo về việc sao Việt thăm viếng
Wanbi, đều không thể vắng mặt những bình luận "nhân danh công lý", phê phán anh A mặc như đi diễn, chị B sao trang điểm đậm thế kia... Chưa dừng lại ở hình thức, họ còn nhân tiện đánh giá luôn tâm hồn, lòng dạ của bạn bè
Wanbi:
"Sao Kim Haneul (Sky) thân với Wanbi lắm mà không thấy xuất hiện, không có hình trên báo", "ủa, Phạm Quỳnh Anh có thân với Wanbi đâu mà bày đặt đến để PR", hay quá đáng hơn, một số người còn vào facebook
Tóc Tiên để trách móc thẳng mặt cô tại sao không đến viếng người bạn thân xấu số...
Nhưng ai biết chăng, rằng: anh A, chị B mặc như đi diễn hay trang điểm đậm bởi vì sự thật đúng là vậy đấy?(!) Các nghệ sĩ vội vã hoàn thành lịch biểu diễn, quay hình, để chạy đến với
Wanbi. Có người phải thay đồ trắng - xanh ngay trong xe vì anh thích hai màu sắc này. Và không phải ai cũng biết:
Phạm Quỳnh Anh liên tục túc trực tại nhà
Wanbi, Tóc Tiên từ Đà Nẵng vội về đeo tang bạn,
Kim Haneul làm hết việc một người nhà là trao hoa hồng trắng, nhang và lạy đáp lễ suốt 2 ngày đêm...
Định kiến "showbiz bạc bẽo" khiến người ta cho mình cái quyền nhân danh công lý mà chà đạp chân tình của kẻ khác, trong khi chính họ mới đang vô tình tổn thương cả người sống lẫn bình yên đưa tiễn người mất.
Gây phản cảm không kém các bình luận soi mói, chỉ trích, là hàng loạt hành vi ngu ngơ đến ngu dốt của vài thành phần khán giả. Những trang facebook được lập hòng "câu" like mà điển hình là trang "100k like để
Wanbi Tuấn Anh hồi sinh" bị "ném đá" không thương tiếc. Không rõ người lập nên trang này thiếu đầu óc hay thiếu lương tâm? Nếu "like" có sức mạnh thần kỳ như vậy thì liệu 100k like có thể giúp họ có đầu óc hay lương tâm "mọc răng" (để biết cắn rứt lương tâm) được không? Xun xoe, làm màu, ăn theo, lợi dụng cái chết của người khác để thỏa mãn ham thú ảo tưởng không chỉ là trái đạo đức mà còn là bi kịch một kiếp người mê muội. Ngay cả các suy nghĩ ngô nghê như
"Wanbi đầu thai thành hoàng tử Anh" hay
"xin ông Trời hãy trả lại Wanbi Tuấn Anh cho chúng con, chúng con sẽ trả lại bà Tưng cho ông" cũng không hề hài hước chút nào trong hoàn cảnh này.
Và bài học để lại về: miệng đời Trước khi
Wanbi Tuấn Anh công khai bệnh tình rồi được khán giả cảm thông, một thời gian khá dài, chàng ca sĩ hiền lành vừa phải gồng mình chống chọi bệnh tật, vừa cắn chặt răng lặng thinh chịu trận bao lời chê bai, dè bỉu – từ chính khán giả mà ra.
Khi một mắt của
Wanbi không còn nhìn thấy vì ảnh hưởng khối u tuyến yên và chấn động từ cú sốc mất cha, anh phải dùng tóc che phủ bên mắt này. Bấy giờ, công chúng “ném đá” anh thâm tệ, mắng anh chơi nổi, phong cách kỳ quái, bắt chước Hàn Quốc... Đến lúc do tác dụng phụ của thuốc mà
Wanbi tăng cân vù vù, họ lại sỉ vả anh “mập quá”, “xấu quá”, “làm ca sĩ mà không biết giữ tướng, chắc hết thời rồi nên buông luôn”... Thậm chí khi đã biết bệnh tình của
Wanbi, vẫn có người lạnh lùng trách:
“Wanbi là ca sĩ nên sao Việt quyên góp ủng hộ. Còn nhiều người nghèo hơn Wanbi, sao không đem tiền đó làm từ thiện”... Để rồi khi biết ra sự thật những cơn đau mà
Wanbi phải chịu đựng; biết rằng dù họ đối với anh vô tình nhưng anh đối với đời, với người vẫn một lòng tri ân, không oán trách; biết anh kiên cường thế nào, bao dung ra sao; biết anh, dù kẹt trong bất hạnh của mình, vẫn không xót xa số kiếp cơ cực khác... Khi ấy, họ không khỏi ân hận vì lời đã nói như tên đã bắn, chẳng thể thu hồi.
Đôi khi, con người ta dễ dàng nói lời tổn thương một ai đó dù chưa kịp hiểu đối phương. Chỉ là chủ quan họ cảm nhận rồi cho mình quyền phán xét vì tự do ngôn luận. Đến một ngày, họ nhận ra mình đã sai nhưng chẳng còn cơ hội nói lời xin lỗi nữa. Chỉ có thể day dứt suốt đời...
Thay lời kết Wanbi Tuấn Anh đã về cõi vĩnh hằng trong vòng tay đưa tiễn ấm áp của gia đình và bè bạn. Khép lại cuộc đời ở tuổi 26, dù vẫn còn đó nhiều dự định, ước mơ dang dở, nhưng cuộc đời ngắn ngủi này anh đã sống thật thành công! Hình ảnh
Wanbi sẽ sống mãi trong lòng những người từng dõi theo anh, từng yêu thương, nể phục anh. Hình ảnh một chàng trai đáng yêu, luôn nở nụ cười ấm áp, và hết mình theo đuổi đam mê. Chàng trai ấy kiên cường trước khó khăn, bệnh tật, và bao dung với tất thảy thị phi cay độc của người đời. Bởi vì
Wanbi hiền lắm, lành lắm, nên anh đã và sẽ luôn tha thứ.
Nhưng còn chúng ta, những người đang sống, có nên tự nhìn lại mình, xem đã đủ trân trọng cuộc sống này hay chưa? Và có chút nào hổ thẹn về những điều ta đã làm, họ đã làm hay không?