Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai – khoa Văn hoá học (ĐH Văn hoá Hà Nội) đã có những trao đổi về vấn đề này. Theo bà Mai, hiện nay, có 3 tín ngưỡng tiêu biểu nhất, đó là thờ cúng tổ tiên – đây là đại diện cho giá trị về cội nguồn; thờ cúng Thành hoàng – đại diện cho tính gắn kết cộng đồng và thờ Mẫu là tín ngưỡng tiêu biểu, đề cao người phụ nữ. Đặc biệt đây là tín ngưỡng có sự hồi sinh rất lớn, được rất nhiều người quan tâm và hiện đang được diễn ra rất sôi nổi.
Một buổi hầu đồng.
Trong quá trình giảng dạy, riêng nội dung liên quan đến thờ Mẫu được rất nhiều sinh viên quan tâm, tỏ ra háo hức khi được học môn học này, đặt biệt là nghi lễ lên đồng. Sinh viên rất muốn nghe nội dung này. Bởi lên đồng là nghi lễ rất đặc trưng của thờ Mẫu, nhiều đã từng xem nhiều buổi lễ lên đồng. Tuy nhiên, không phải em nào cũng hiểu hết.
Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay nói về nghi lễ hầu đồng khá nhiều nên khi giảng đến nội dung này, tất cả các em sinh viên đều tỏ ra hào hứng. "Chính vì vậy, chúng tôi đã đưa nội dung này vào giảng dạy. Qua chương trình học, chúng tôi muốn cung cấp cho các em kiến thức để nhận diện được các vấn đề liên quan đến thờ Mẫu, hầu đồng để hiểu cho đúng", bà Mai nói.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai.
Môn học này được đánh giá rất quan trọng nên ngay từ năm thứ 2. Các bạn sinh viên trường ĐH Văn hoá (trừ 2 khoa Thư viện và Phát hành) phải học những nội dung liên quan đến thờ Mẫu, hầu đồng.
“Riêng đối với nghi lễ hầu đồng, thông qua những giáo cụ trực quan như bằng hình ảnh, video clip, chúng tôi sẽ hướng dẫn, giảng dạy cho các em sinh viên biết hoạt động này diễn ra như thế nào, có những ai tham gia... Ví dụ như khi xem một buổi hầu đồng, các em sẽ phải biết mình đang xem cái gì, vì sao người ta lại làm như vậy”, thạc sĩ Mai chia sẻ.
Thậm chí, trong quá trình giảng dạy, tiết học về hầu đồng là một trong những nội dung sôi nổi nhất, được sinh viên tham gia nhiệt tình. Một số bạn trẻ có căn đồng, đã từng đi hầu... khi đến phần này đã có đóng góp hay, với nhiều nội dung mang tính thực tế.
"Chúng tôi cũng nhấn mạnh vào yếu tố và giá trị văn hoá; đồng thời chỉ ra những yếu tố tiêu cực trong thờ Mẫu, đặc biệt là trong nghi lễ hầu đồng hiện nay để cho sinh viên có cái nhìn hai chiều", thạc sĩ Mai chia sẻ.
Cũng theo cô, trước đây, nhiều người nhìn nhận hầu đồng là mê tín dị đoan, là xằng bậy, nhưng hiện nay, rất nhiều người tỏ ra quan tâm, nghiên cứu, nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, họ đón nhận và coi đây là một nét văn hoá dân gian.
Thậm chí, trong hội diễn văn nghệ ở trường, bên cạnh các tiết mục văn hoá dân gian như hát ở đào, chèo, tuồng... thì các em dành hơn nửa thời gian để tái hiện lại một nghi lễ hầu đồng và được đón nhận một cách tích cực từ phía bạn sinh viên trong trường.