Các bạn nam thường có xu hướng viết thư tình cho cô giáo hay các bạn nữ trong trường lớp mà họ thầm cảm mến. Còn với các bạn nữ, ngoài thầy giáo, những cậu học trò nhà giàu, đẹp trai trong trường cũng là đối tượng thường xuyên nhận được thư ái mộ. Một dịch vụ cũng nảy sinh “ăn theo” sự việc này khiến giáo viên và phụ huynh dở khóc dở cười, đó là “viết thư tình thuê”.
Một nữ sinh lớp 5 trường tiểu học Nghiễm Châu ra giá 5 NDT (khoảng 17.000 VNĐ) cho một bức thư tình. Khách hàng có thể gặp mặt trực tiếp hoặc liên hệ qua điện thoại, cung cấp một số thông tin, giải thích mối quan hệ, tình trạng hiện tại của hai người, một giờ sau sẽ nhận được bản thảo. Cô bé còn quảng cáo, trình độ của mình rất cao, chỉ cần hai lá thư là có thể chiếm được cảm tình của người kia, nhưng để duy trì tình cảm, cần mỗi ngày phải gửi tặng một lá. Cô bé còn soạn ra “menu thư tình”, theo trình tự ngày nào cần nói cái gì, liên tiếp trong 100 ngày, giá là 1000 NDT (khoảng 3,4 triệu VNĐ).
Một cô bé khác đã viết tặng cậu bé trong lớp một bức thư tình, nhưng cả hai đều chưa biết nhiều chữ nên đọc không hiểu. Vì thế, cô bé đành phải đi thuê vẽ một bức tranh, trong tranh một cô dâu mặc váy cưới tay cầm hoa mang tên cô bé, còn chú rể đứng cạnh mang tên cậu bé, rồi hỏi cậu bé sau này có thể lấy cô không?
Bà Trương, mẹ bé Ny Ny (hiện đang là học sinh lớp 5) phát hiện trong cặp sách của con gái có rất nhiều thư tình từ 5, 6 nam sinh, tiếng Anh có, tiếng Trung có, bằng tranh ảnh cũng có. Khi bị mẹ tra khảo về những bức thư, bé Ny Ny còn lý giải: “Thế này đã là gì, lớp con còn có bạn hơn mười bạn nam theo đuổi cơ”.
Giải thích về điều này, một chuyên gia tâm lý cho rằng viết thư tình không chỉ là trào lưu mà đây còn là phương thức trẻ “đòi được yêu”. Người này cho rằng, có thể do áp lực học hành mà phụ huynh đặt lên con cái ngày càng lớn, chỉ quan tâm thành tích học tập mà xem nhẹ tâm tư tình cảm của con trẻ, những cử chỉ yêu thương ấm áp cùng sự quan tâm chăm sóc ngày càng ít, khiến trẻ thiếu thốn tình cảm, phải tìm đến “tình yêu” như một sự bù đắp. Mặt khác, trẻ con ngày nay được tiếp xúc quá nhiều chuyện tình cảm yêu đương của người lớn, cộng thêm tâm lý tuổi mới lớn chưa ổn định nên dễ dàng nảy sinh tình cảm và bị cuốn theo trào lưu.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên vì mấy lá thư tình của con mà mắng mỏ, hay đánh đập con cái. Cần tìm những lời lẽ nhẹ nhàng phân tích cho con hiểu. Bố của cậu bé Tiểu Binh là một ví dụ, khi phát hiện con trai 7 tuổi nhận được thư tình một bạn cùng lớp, anh nói với con: Nghe nói con có bạn thầm mến, bố rất tự hào vì con, con bố thật giỏi. Nhưng con phải ngoan ngoãn, chăm học hơn nữa, nếu không bạn ấy sẽ không còn thích con đâu”. Kết quả là con trai anh dần dần có ý thức hơn trong cả lời ăn tiếng nói cũng như việc học tập.