Mua “tiếng cười” giá 60 nghìn đồng Theo chân một số khách du lịch người nước ngoài, “bóng cười” xâm nhập vào Việt Nam và nhanh chóng được giới trẻ ở một số thành phố lớn, trong đó có Hải Phòng đón nhận như một thú tiêu khiển mới lạ.
Theo tìm hiểu hiện nay, “bóng cười” thường được bán và sử dụng rộng rãi ở một số quán bar, quán karaoke. Số tiền phải bỏ ra để mua 1 quả “bóng cười” không cao, chỉ từ 50.000 đồng – 60.000 đồng/quả. Chính vì giá cả phải chăng nên rất nhiều bạn trẻ dù không phải là “dân chơi” cũng có thể mua và sử dụng trong khoảng thời gian dài.
“Bóng cười” thường được giới trẻ sử dụng trong quán bar, karaoke.
(ảnh minh họa) .
Trên địa bàn thành phố hiện chưa thấy bày bán công khai loại “bóng cười” này, song người sử dụng có thể dễ dàng tìm mua trên mạng internet. Chị Vũ Thị V., 22 tuổi, kinh doanh mặt hàng quần áo, mỹ phẩm trên mạng internet nên thường xuyên đi Hà Nội và TP.HCM để lấy hàng. Một lần lên Hà Nội nhập hàng, chị V. được người bạn mời đi hát karaoke và được gạ dùng thử “bóng cười”.
Chị V. cho hay, hít loại khí trong quả bóng này vào người sẽ có cảm giác lâng lâng, phấn khích, cười ngặt nghẽo cả tiếng đồng hồ. Thấy mặt hàng này mới lạ, “hay hay”, lại không phải hàng cấm, nên chị V, nhập thử vài thùng về vừa để sử dụng trong lúc vui đùa với bạn bè, vừa để bán. Chị V. chỉ là một trong số những người vừa sử dụng vừa như kinh doanh loại “bóng cười” này.
Chị V. ra giá 480 nghìn đồng/ hộp 8 quả “bóng cười”. “Em còn 2 hộp, chỉ bán 1 hộp thôi, còn 1 hộp tối mai đem đi mừng sinh nhật đứa bạn”, chị V. cho biết.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, có khá nhiều người bày bán công khai loại “bóng cười” trên các diễn đàn mạng xã hội, trang web mua bán online... Một số người còn trưng cả ảnh, video hướng dẫn sử dụng cụ thể loại “bóng cười” trên các trang bán hàng online. Theo đó, người chơi chỉ cần dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng, hít khí trong đó rồi lại thổi ngược ra cho quả bóng to lên.
Cứ như vậy lặp lại khoảng 4-5 lần sẽ khiến bất cứ ai dù đang vui hay buồn đều sẽ cười thả phanh mà không biết tại sao mình cười. Được biết, “bóng cười” cấu tạo giống bóng bay, bên trong chứa một loại khí có tác dụng gây cười, thực chất là khí Nitro oxy (N2O). Khi hít vào, khí gây cười sẽ tạo cho "người chơi" cảm giác phấn khích, lâng lâng, quay cuồng, bật cười vô cớ.
Thú chơi tổn hại sức khỏe Thực tế, những người kinh doanh “bóng cười” quảng cáo rằng thú chơi này không ảnh hưởng sức khỏe, và họ chứng minh bằng việc tự mình sử dụng trong các cuộc vui với bạn bè. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã có những cảnh báo nhất định đối với thú chơi này, nhất là việc lạm dụng quá đà.
Theo bác sĩ Đào Minh Châu, bệnh viện đại học Y Hải Phòng, N2O là loại khí giảm đau, có vị ngọt nhẹ, không màu. Chất này có thể gây tê, mê toàn thân nhưng không mất tri giác. Sở dĩ gọi N2O là khí cười bởi vì khí này tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười. Chưa có nghiên cứu nào chứng minh khí N2O sẽ gây rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, nếu dùng nhiều sẽ bị nhiễm độc và sẽ gây nghiện. Khi hít phải một lượng nhỏ, N2O có thể gây phấn khích, kích động nhẹ, khiến người sử dụng cười “vô cớ”. Tác dụng này chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn khiến người chơi phải tiếp tục hít thêm nữa để tăng độ “phê”.
Càng ngày, người chơi càng tích tụ nhiều khí N2O, sẽ gây độc cho cơ thể. Nó sẽ kích thích, thần kinh không còn cảm giác, không hoạt động bình thường, thậm chí gây hôn mê sâu. Về lâu dài nó sẽ dẫn tới rối loạn thần kinh, trong đó có chứng mất trí nhớ. Nhất là những người có tiền sử bệnh tim mạch hay hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp mà hít phải N2O lâu sẽ rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn tới ngừng thở.
“Bóng cười” rõ ràng là một thú chơi có thể gây nghiện, gây hại cho sức khỏe, có thể ví như một loại "ma túy ảo" ngấm ngầm chi phối bộ não, tàn phá sức khỏe con người. Song điều đáng nói là cơ quan chức năng hiện chưa có quy định quản lý loại chất nguy hiểm này. Nhiều bạn trẻ vô tư lao vào thú tiêu khiển này mà không hề biết hậu họa. Thực tế cho thấy, tâm lý giới trẻ thường thích thú với cái mới, nhất là những thứ không gây hại ngay hoặc gây hại gián tiếp thì càng dễ “tặc lưỡi”.
Do đó, cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp quản lý loại chất này cũng như chế tài đối với hành vi sử dụng “bóng cười” của giới trẻ để sớm ngăn chặn những tác hại khó lường. Những bạn trẻ cũng cần nhận thức rõ sự nguy hiểm của thú chơi tai hại này, không nên chạy theo thú vui nhất thời mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe.