1001 bi kịch của teen rớt đại học

Thi rớt ĐH chẳng qua chỉ là một lần vấp ngã trên đường đời đầy chông gai. Tất cả vẫn còn ở phía trước nếu bạn trẻ không quá 'bi kịch hóa' chuyện thi rớt của mình.

Năm nào cũng vậy, cứ sau mỗi kỳ thi ĐH-CĐ rầm rộ, người ta lại nghe những câu chuyện buồn về cách hành xử nông nổi của một số bạn trẻ vì thi rớt.

Như “mất cả cuộc đời”

Trong ký ức nghề nghiệp của mình, chuyên viên tâm lý Ngô Minh Uy (Trung tâm tâm lý học ứng dụng Sông Phố) nhớ nhất câu chuyện về D.. Số là khi biết mình thi rớt ĐH, D. lẳng lặng vào phòng riêng chốt trái cửa, cả ngày chẳng thèm nói chuyện với ai.

Bực mình, ba D. quát: “Mày không cố gắng học, giờ lại thế hả?”. Hôm sau D. ra ngoài một lát rồi lại về phòng riêng. Gọi mãi không thấy con trả lời, mẹ D. hốt hoảng cho người phá cửa phòng thì thấy D. đang vật vờ bên mấy vỉ vỏ thuốc ngủ lăn lóc.

Khác với D., N. bỏ nhà đi hoang sau khi biết tin rớt ĐH. Chia sẻ với nhà tham vấn, N. kể mình có người anh giành được học bổng toàn phần du học Mỹ, còn họ hàng nội ngoại ai cũng thành đạt và học cao. Theo N., chính điều đó đã gây áp lực lớn khiến cô quyết rời xa gia đình. “Tôi cảm thấy mình có lỗi, vô tích sự và chẳng xứng đáng sống trong nhà nữa. Tôi ra đi để bảo vệ truyền thống gia đình và tìm ý nghĩa cuộc sống” - N. tâm sự.
 


Khi thi ĐH-CĐ nên dỡ bỏ các áp lực, giữ tinh thần thoải mái, lạc quan. Dù đậu hay rớt đó chỉ là một trong những kinh nghiệm của cuộc đời. Trong ảnh: hai thí sinh vui vẻ ra về sau kỳ thi tuyển sinh khối C ở Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM .

Không như D. và N., T. đã không giữ được mạng sống. Cô gái xấu số này đã gieo mình từ tầng ba, ngay tại ngôi trường mà cô và bạn bè vừa trải qua những năm tháng học trò. Cha mẹ T. cho biết lúc lo hậu sự cho con, họ đã phát hiện một cuốn nhật ký mới toanh. Trong những trang viết ấy, T. ghi lại những kỷ niệm tuổi học trò bằng giọng văn buồn da diết và kết thúc bằng câu “Vĩnh biệt A4 thân yêu!”.

Một số bạn trẻ dù chưa hề biết kết quả thi cử đã vội có hành vi nông nổi, điển hình là vụ bạn T.C.S., học sinh Trường THPT chuyên L. (Quảng Ngãi), tự tử bằng thuốc trừ sâu sau khi làm bài không tốt trong kỳ thi ĐH năm 2010.

Trong đám tang của S., bạn bè ai cũng không cầm được nước mắt khi đọc những dòng thư tuyệt mệnh của cậu học trò gửi cha mẹ: “Khi đọc được những dòng này thì có lẽ con đã đi về thế giới khác, không giọng nói, không tiếng cười. Đây là lần thứ ba con nghĩ đến cái chết... vì con không dám đối diện với ngày mai”.

Đừng nên phóng đại thất bại!

Trao đổi về chuyện bạn trẻ hành động nông nổi vì thi rớt, TS Andy Phạm (ĐH Quốc tế Florida, Hoa Kỳ) cho rằng có sự phóng đại thất bại trong thi cử thành thất bại của cả đời người. Theo ông, thất bại trong một lần/lĩnh vực không có nghĩa là sẽ thất bại trong những lần khác/lĩnh vực khác. Ông nói: “Thất bại không chỉ bình thường mà còn là cơ hội học hỏi cách để thành công trong tương lai, do biết rõ mình hơn, có kinh nghiệm hơn”.

Sự phóng đại thất bại ấy, theo TS Lê Nguyên Phương (ĐH Chapman, Hoa Kỳ), bắt nguồn từ những áp lực. Lúc nhỏ là áp lực phải được điểm cao hoặc phải đứng nhất nhì lớp, lớn lên là phải vào được ĐH thì gia đình, dòng tộc mới “nở mày, nở mặt”. Bên ngoài xã hội, việc coi trọng tấm bằng gây thêm áp lực “chỉ có thể mưu sinh và thoát khỏi đói nghèo bằng con đường ĐH”...

Hai vị TS cho rằng tất cả áp lực ấy dồn hết vào kỳ thi và quan niệm “được ăn cả, ngã về không” dễ khiến người trẻ coi kỳ thi như là tất cả đời mình, thi rớt là mất cả cuộc đời. Vào thời điểm nhạy cảm đó, thay vì đồng hành, chia sẻ, động viên con cái thì cha mẹ lại chỉ trích, chê bai, la mắng. Trong tình cảnh này, nếu xã hội thiếu dịch vụ hỗ trợ tâm lý hoặc bạn trẻ chưa có thói quen nhờ sự hỗ trợ của chuyên viên tâm lý thì thật nguy.

Vì vậy, giải pháp phòng ngừa vấn nạn trên, theo hai vị TS, chính là dỡ bỏ các áp lực “chết người” đó. TS Phương nói: “Mỗi người có tiềm năng và bản sắc riêng. Cha mẹ muốn con hạnh phúc thì đừng ép buộc chúng làm theo ý mình mà cần cổ vũ, động viên, tạo điều kiện cho con tỏa sáng theo cách của chúng”.

Theo TS Andy Phạm, trong suốt quá trình đi học của trẻ, mối dây liên kết gia đình - nhà trường - chuyên viên tâm lý cần hoạt động hiệu quả để trao đổi về chuyện học hành, bạn bè, tâm lý của trẻ, từ đó kịp thời hỗ trợ trẻ. Theo ông Andy Phạm, nhờ chuyên viên tâm lý hỗ trợ là thói quen tốt, xã hội cần mở rộng và nâng chất loại hình dịch vụ không thể thiếu này. “Có khi chỉ cần ai đó lắng nghe là có thể cứu một mạng người”, vị TS nói.

Trong tình huống con thi rớt, TS Phương gợi ý cha mẹ cần trò chuyện, cùng con mô tả vấn đề, gợi mở để con thoải mái biểu lộ cảm xúc, sau đó cùng thảo luận giải pháp theo kiểu “thua keo này ta bày keo khác”. TS Phương lưu ý: “Cha mẹ tuyệt đối không chỉ trích hay dùng ngôn từ mang tính đánh giá khả năng khiến trẻ thêm mặc cảm”.
 
Nên biết buông xả!

Theo TS Andy Phạm, quản lý tốt cảm xúc chính mình sẽ giúp các bạn trẻ không hành xử nông nổi. Ông nói: “Thất bại trong thi cử cũng giống như thất tình và cách ứng xử khôn ngoan nhất là biết buông xả để sẵn sàng cho hạnh phúc mới”. Theo ông, càng “nuôi” những cảm xúc tiêu cực thì chúng càng lớn dần trong tâm trí.
 

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More