Có phải teen càng lớn... càng hỗn láo?

Với nhiều bạn trẻ, sự lễ phép dường như chỉ có ở tuổi "mẫu giáo", càng lớn thì mức độ "hỗn láo" lại càng tăng lên.

Láo cả với bố mẹ

Đi học chúng ta không phải học bảng chữ cái hay con số đầu tiên mà sẽ là học những bài học đạo đức: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Thế nhưng nhiều bạn trẻ hiện nay lại quên đi những bài học quý giá nhất ấy. Ngay cả đối với bố mẹ - người thân yêu nhất cũng được các bạn “ưu ái” gọi bằng “bà già, ông già nhà tao”. Hay tệ hơn, có bạn còn vô lễ tới mức khi có điều không vừa lòng là sẵn sàng "đá thúng đụng nia”, quát mẹ như “hát hay”.

Trong thời gian gần đây, không hiếm để thấy được những vụ teen chửi bố mẹ thậm thệ, thậm chí hăm dọa chỉ vì bị phụ huynh cấm đoán yêu đương, thần tượng một ai đó, hay đạp bà ngoại ra khỏi cửa chỉ vì bà nói nhiều, hùa theo bố mẹ canh cửa không cho ông nội ốm yếu vào nhà...


Bị bắt làm việc cũng chửi bố mẹ (Ảnh minh họa)

Những lúc tức giận và buồn bã vì không được bố mẹ quan tâm, chiều chuộng có bao giờ bạn có ý nghĩ rằng bố mẹ đã hy sinh cho mình rất nhiều? Những vết nhăn trên mặt, những vết rạn trên cơ thể, những lo toan tất bật thường ngày của bố mẹ cũng chỉ để kiếm tiền về đảm bảo cuộc sống cho con cái.

Đến trường: Phản đối cả ban giám hiệu

Đi học ai cũng phải chịu những áp lực vô hình do nhà trường, gia đình và tự bản thân mình đặt ra. Như Huy (15 tuổi) vừa đỗ vào lớp chuyên Anh của một trường chuyên. Thông thường các trường khác sau một tháng học hè chỉ cần làm bài kiểm tra trên lớp, thì ở đây trường sẽ tổ chức hẳn một kì thi. Về nhà cậu lên Facebook kêu gào, thậm chí là chửi trường lớp, chửi cả ban giám hiệu. Sau đó anh bạn đã bị bạn bè phản đối dữ dội bởi đó đã là luật từ xưa đến nay và hoàn toàn có lợi cho học sinh, chẳng có lí do gì để Huy phải "phẫn nộ" như vậy.

Hay như quy định của “dân chơi”, phải gọi thầy cô giáo là “con mụ, thằng già” mới “hot”. Cô giáo chủ nhiệm trường LHP đã từng tâm sự rằng: “Học sinh bây giờ còn lên các trang mạng xã hội nói xấu thầy cô nữa cơ. Tôi đọc mà buồn... Dạy học sinh, thủ khoa để làm gì nếu không biết kính trọng thầy cô... Như thế là tôi đã thất bại hoàn toàn trong giáo dục”. Cô cũng nói thêm học sinh “qua cầu rút ván” nhanh lắm, mình tận tâm dạy trò mà chẳng được lời cảm ơn, ra trường rồi nhìn thấy không thèm chào. Thậm chí có những trò giờ là đồng nghiệp, nhìn thấy biết thừa là ngày xưa học cô mà cũng như không quen biết.

Anh chị cũng "ngang hàng phải lứa"

Như Chinh (18 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Vào giờ chào cờ đứng cạnh các em khối 10, nghe các em ấy nói chuyện mà mình thấy... khiếp quá. Toàn gọi anh chị lớp 11, 12 là "con, thằng", chửi như đúng rồi. Có em còn chỉ một anh lớp 12 mà nói: "Nhìn mặt thằng nay trông vênh vãi" nữa chứ!".

Dù không phải anh chị em trong nhà nhưng những người hơn ta dù 1-2 tuổi cũng đáng phải kính trọng và xưng hô lễ phép. Kim Ngân (Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc: "Khi thấy một em cùng trường chửi tục mình liền khuyên nhỏ nhẹ nhưng lại nhận được câu trả lời: "Chị là cái đ.. gì mà xen vào chuyện của người khác? Tôi tự biết phải làm thế nào”.

Đúng như teen mình thường gọi các bạn đó là “trẻ trâu”, có suy nghĩ không chín chắn, thường thích nổi bật bằng cách tiêu cực, thích thể hiện mình mà không kiểm soát được những việc mình đang làm, dẫn đến những cách cư xử sai lệch, lời nói vô lễ.

Hãy cắt "cái đuôi hỗn láo” khi người lớn miêu tả về teen 9x và thể hiện chúng ta là thế hệ trẻ tài năng, văn minh và lịch sự bạn nhé!


0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More