Sinh viên châu Á 'vượt mặt' phương Tây

Số sinh viên tốt nghiệp đại học, có bằng cấp ở các nước đang phát triển đã “qua mặt” số sinh viên ở các quốc gia phương Tây

Tuần rồi, tờ Le Monde của Pháp có bài viết đáng chú ý về hiện tượng trí thức trẻ từ các nước châu Á mới nổi, đang phát triển soán ngôi lực lượng đến từ các nước phát triển trong cuộc đua chinh phục thế giới. Bài viết “Sinh viên các nước đang phát triển trên con đường chinh phục thế giới” đã phản ánh được phần nào xu hướng này.

Theo nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), những tác nhân tương lai của thế giới là sinh viên các nước đang phát triển, nhất là sinh viên đến từ châu Á. Các kết quả khảo sát đều chỉ ra rằng, số sinh viên tốt nghiệp đại học, có bằng cấp ở các nước đang phát triển đã “qua mặt” số sinh viên ở các quốc gia phương Tây. Chỉ riêng so sánh số sinh viên Trung Quốc hiện nay cũng đã nhỉnh hơn dân số gần 35 triệu người của Canada.

Sinh viên châu Á vượt mặt phương Tây

Năm 2000, theo số liệu thống kê, sinh viên tốt nghiệp ở các nước phát triển là 51 triệu người, các nước đang phát triển là 39 triệu người. Thế nhưng, năm 2012, cán cân đã đảo ngược khi số sinh viên ở các nước phát triển dù tăng lên, đạt 69 triệu người nhưng vẫn không nhanh bằng các nước đang phát triển tăng vọt, đạt 73 triệu người.

Dựa theo tình hình dân số hiện nay, tờ Le Monde đã đưa ra dự đoán: Đến năm 2020, khoảng 40% trên tổng số 204 triệu sinh viên trên thế giới sẽ đến từ hai quốc gia là Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi đó, cả Mỹ và châu Âu cũng chỉ chiếm ¼ con số trên. Le Monde còn đưa ra bảng xếp hạng 10 nước đứng đầu thế giới về số lượng sinh viên tốt nghiệp trong khoảng thời gian từ năm 2000-2020. Theo đó, Mỹ đứng đầu vào năm 2000, đã tụt xuống vị trí thứ 2 trong năm 2010, nhường chỗ lại cho Trung Quốc.

Năm 2020, Mỹ sẽ đứng vị trí thứ 3, nhường vị trí thứ 2 cho Ấn Độ. Nga chiếm vị trí thứ 3 vào năm 2000 còn trong tương lai sẽ đứng vị trí thứ 4. Trong số các nước châu Âu đứng vào nhóm 10 nước hàng đầu chỉ có Anh từ vị trí thứ 10 lên vị trí thứ 7, trong khi Pháp, Đức từng chiếm vị trí thứ 8 và 9 trong năm 2000 đã bị loại khỏi bảng xếp hạng này.

Theo OECD, nguyên nhân dẫn đến xu hướng này là do các nước đang phát triển hội nhập năng động vào nền kinh tế thế giới. Họ cũng có nhu cầu thu hút sinh viên nước ngoài để làm giàu đất nước bằng “kinh doanh giáo dục” (ngoài việc có sinh viên đi du học ở nước ngoài, chủ yếu đến Mỹ, châu Âu và Australia tăng mạnh). Singapore đang kỳ vọng thu hút 150.000 sinh viên cho đến năm 2015; Malaysia là 100.000 sinh viên đến năm 2020. Trung Quốc đang thu hút 196.000 sinh viên, đa số là sinh viên từ các quốc gia châu Á, cũng nhắm đến con số 300.000 đến năm 2025.

Trung Quốc từ thập niên 90 đã đầu tư hàng chục tỷ USD để nâng cấp 100 trường đại học và tập trung tạo ra 9 trường đẳng cấp quốc tế, tập hợp dưới cái tên C9, (trường Phúc Đán, Nam Kinh, Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, Bắc Kinh, Giao thông Thượng Hải, Thanh Hoa, Đại học Khoa học Công nghệ An Huy, Giao thông Tây An, Chiết Giang).

Trong khi đó, Ấn Độ nỗ lực nhân rộng mô hình của Học viện công nghệ Ấn Độ (Indian Institute of Technology), nơi ươm tài năng Ấn Độ nổi tiếng và được thành lập từ thập niên 50 của thế kỷ XX. Các công ty toàn cầu như Boston Consulting và McKinsey hàng năm đều cử chuyên gia quản trị nhân sự xuất sắc đến để tuyển dụng các tài năng sáng chói nhất của ngành công nghệ thông tin Ấn Độ.


0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More