Chỉ học 2 giờ mỗi ngày, vẫn thành thủ khoa đại học

Nguyễn Trần Văn Quyện - Thủ khoa ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vẫn tin sự lựa chọn nghề giáo của mình là đúng đắn.

Thủ khoa đề cao phương pháp tự học

Với 26,75 điểm (Toán 8,75, Vật lý 9, Hóa học 9), Nguyễn Trần Văn Quyện đạt danh hiệu Thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010-2011.

Trong 12 năm học liên tiếp Quyện đạt danh hiệu HSG toàn diện, cấp II đạt giải 3 cấp tỉnh môn toán trên máy tính bỏ túi, giải khuyến khích cấp tỉnh môn vật lý lớp 12. Bí quyết thành công của Nguyễn Trần Văn Quyện là tự học. Tưởng như đơn giản nhưng đây lại là quá trình nghiên cứu sâu, biến đổi kiến thức của nhân loại thành kiến thức của riêng mình. Quan trọng tự học giúp Quyện giảm bớt chi phí cho bố mẹ vừa rèn luyện tính tự giác cao.

Mỗi ngày Quyện chỉ dành khoảng 2 tiếng để học bài. Theo em, không quan trọng thời gian học nhiều hay ít mà quan trọng là chất lượng học được đánh giá bằng kiến thức thu được. Trong quá trình học, Quyện luôn tập trung cao độ nhưng vẫn giữ sự thoải mái nhất định bằng những hoạt động giải trí nhẹ như xem tivi, đọc sách.

Trăn trở với ngành sư phạm


Có một thực tế rằng, trong các kỳ thi tuyển sinh vào ngành sư phạm thì thực trạng còn nặng nề hơn cả câu nói "chuột chạy cùng sào", nghĩa là đã phải tuyển nhóm "cùng sào" rồi mà cũng không đủ chỉ tiêu. Điều này cho thấy giới trẻ không mấy thiết tha với ngành sư phạm. Nhắc đến câu nói này, Quyện rất buồn, bởi ngày càng ít học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm. Ngành sư phạm cần đội ngũ giáo viên giỏi mới tạo nên một nền giáo dục chất lượng. Quyện mong rằng điều này sớm được khắc phục để có những giải pháp thiết thực, sao cho câu nói “chuột chạy cùng sào” không được nhắc lại nữa. Thế nhưng cậu học trò học giỏi Nguyễn Trần Văn Quyện lại lựa chọn ngành sư phạm như một đam mê. Quyện cho biết, đây là nguyện vọng của bố mẹ và mong ước của bản thân.

Chỉ học 2 giờ mỗi ngày vẫn trở thành thủ khoa đại học
Nguyễn Trần Văn Quyện.

Hiện tại, tiền lương dành cho nghề giáo còn thấp, chế độ cho giáo viên nhiều hạn hữu. Sinh viên sư phạm ra trường rất khó khăn mới kiếm được việc làm, thậm chí phải “chạy” hàng trăm triệu mới có được một chỗ dạy ở tỉnh lẻ thì Quyện vẫn tin sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Học tập dưới mái trường đại học, Quyện vẫn đang từng ngày thực hiện những mong ước của mình bằng kết quả học tập cao.

Đối với Nguyễn Trần Văn Quyện, nghề giáo viên hiện nay vẫn rất được tôn trọng, đề cao. Chỉ có điều hiện nay nhà nước và xã hội chưa đánh giá đúng về ý nghĩa và công sức bỏ ra của người giáo viên để định giá công sức đấy một cách phù hợp.

Hiện tại, rất nhiều đồng nghiệp trong tương lai của Quyện là những cử nhân sư phạm ra trường không xin được việc, phải làm đủ nghề như dạy gia sư, làm nhân viên bảo hiểm, nhân viên bán hàng. Quyện tâm sự: "Quả thật em cũng hơi lo lắng, với việc lương bổng thấp thì khó trang trải cuộc sống sau này cho bản thân và gia đình, cuộc sống khó khăn thì khó có thể đóng góp hết sức cho sự nghiệp dạy được".

Nhiều người nghĩ rằng giáo viên là một nghề nhàn nhã, bởi thế thu nhập không cao nhưng Quyện lại không nghĩ như vậy. Đối với Quyện, công việc của người giáo viên không hề nhàn hạ. Lao động giáo dục là lao động vô cùng nặng nhọc và vất vả, nỗi vất vả ấy được tạo nên từ nhiều yếu tố như áp lực công việc, đồng lương chưa thỏa đáng. Sự hoạt động của người giáo viên không chỉ ở trường mà còn ở nhà, ở mọi lúc mọi nơi. Người giáo viên luôn phải boăn khoăn trăn trở tìm cách, tìm biện pháp cho học sinh hiểu bài, cách nâng cao nhận thức học sinh và thúc đẩy những em yếu kém. Đơn giản hơn nữa là người là các ngành khác có ngày nghỉ lễ còn sư phạm thì rất hiếm hoi. Nếu các ngày nghỉ lễ đó rơi vào ngày thường thì giáo viên vẫn được nghỉ nhưng sau đó lại phải sắp xếp thời gian dạy bù.

Quyện tâm sự: “Thầy giáo chủ nhiệm năm học cấp 3 là thầy Huỳnh Ngọc Thoại, là người có ý nghĩa nhất với em, thầy là người định hướng cho tất cả cho em về con đường học tập”. Vì vậy, sau này khi lớn lên Quyện mong muốn trở thành một người thầy có đầy đủ kiến thức và kỹ năng, có thể truyền đạt những điều mà Quyện hiểu được, nhận thức được cho học sinh hiểu rõ vấn đề, hình thành nhân cách, nghiệp vụ và kỹ năng sống một cách hoàn thiện. Như vậy, đối với Quyện, nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà họ có nhiệm vụ khơi dậy những ngọn lửa đam mê học tập trong mỗi học sinh. Ngoài kiến thức, người thầy cần trau dồi đạo đức, lối sống bởi nhân cách của người thầy luôn có tác động mạnh mẽ đến học sinh hơn những bài học đạo đức, lý thuyết hay kỹ năng mềm.

Quyện có mong ước là được làm thầy giáo theo đúng nghĩa, có một công việc ổn định, chăm lo cho gia đình và đóng góp cho xã hội.


0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More