Stylist - Nghề 'hot' trong giới trẻ

Dù không được đào tạo bài bản về thời trang, nhiều bạn sinh viên vẫn vô cùng yêu thích và hứng thú với công việc này.

Nếu như trước đây, stylist chỉ dành cho những ai được đào tạo qua về thời trang thì hiện nay lại xuất hiện rất phổ biến trong đời sống giới trẻ với những thành phần được coi là “nghiệp dư”. Đây là công việc vừa mang lại thu nhập cho các bạn trẻ vừa giúp thỏa mãn được niềm đam mê với thời trang.

Hà Phương (năm thứ ba HV Ngoại giao) ban đầu là chủ của một shop thời trang online với lượng khách khá cao. Khách hàng chú ý và yêu thích sản phẩm của Phương bởi sự phối hợp trang phục rất phong cách và cá tính.


Hà Phương - nữ sinh trường Ngoại giao kiêm stylist

Nhờ những ý tưởng mới mẻ và năng lực làm việc trong cương vị một stylist của chương trình dạ hội ở trường đại học, Phương đã được chú ý và giới thiệu cho một số tờ báo.


Miss RMIT Mai Ly và Vân Anh do Phương làm stylist

Phương chia sẻ: “ Mình làm được việc này nhờ kinh nghiệm quan sát và ứng dụng bản thân. Ban đầu là là giúp, sau Phương cảm thấy rất thích thú với công việc này. Nó không đòi hỏi quá nhiều kiến thức chuyên môn, chủ yếu là kinh nghiệm, mắt thẩm mĩ và óc sáng tạo.

Bình thường một stylist như mình chỉ cần làm những công việc nêu ý tưởng trang phục phong cách của mẫu để make - up và làm tóc thực hiện. Nhưng trong quá trình chụp hình, mình còn chỉnh dáng cho mẫu, bao quát từ dáng người, khuôn mặt, trang phục, đầu tóc,… Và nhiếp ảnh chỉ có việc chọn góc chụp và ánh sáng thôi”.


Phương bày tỏ về lý do theo đuổi công việc stylist: “Niềm vui của Phương là giúp cho một người đẹp hơn bình thường, chứng kiến nụ cười hài lòng của khách hàng sau khi giúp người đó đẹp hơn với phong cách ban đầu của họ hay phong cách mới mình tạo ra.



Phương có một chị gái dịu dàng thích mặc váy nhưng dáng người hơi thô. Mình giúp chị ấy phối giữa một cái váy sáng màu và đeo thắt lưng như thế nào để giấu được dáng. Người làm công việc này hơn một người bình thường là có thể nhìn ra cái đẹp, cái xấu của mình, của người khác.

Bản thân Phương coi những năm đại học là khoảng thời gian đi tìm đam mê. Nhờ công việc này, mình tìm đã tìm biết rõ niềm đam mê và con đường bản thân muốn đi thế nào. Phương cũng đạt được rất nhiều thứ như những mối quan hệ, kinh nghiệm, tinh thần làm việc và cộng tác với tập thể. Hơn nữa, thu nhập của công việc tương đối ổn, mỗi lần stylist, Phương nhận được thù lao từ 500.000 – 1 triệu đồng nên cũng khá hài lòng.

Bên cạnh đó, Phương tự thấy mình là người thích thể hiện bản thân, nhưng không hợp với ánh đèn led nên chọn công việc đứng sau nó và thể hiện cái tôi của mình lên những cô người mẫu”.


Vũ Thị Thảo - cô nữ sinh năng động với "nghề tay trái" stylist.

Vũ Thị Thảo (năm thứ nhất ĐH Kinh doanh và Công nghệ) mới làm công việc stylist được hơn ba tháng cho một nhóm chụp ảnh. Thảo chia sẻ: “Hiện nay, nhu cầu chụp ảnh của các bạn trẻ rất cao. Bởi vậy họ thường tìm đến một ekip chuyên nghiệp, trọn gói từ khâu trang điểm, tư vấn trang phục, phong cách đến chụp ảnh”.

Công việc của Thảo là tư vấn trang phục, cách tạo dáng và địa điểm chụp phù hợp với phong cách cho khách. Thích thời trang từ khi học lớp 9 nên Thảo đã tìm hiểu qua sách, báo, về tất cả các nhà thiết kế nổi tiếng để có thể cập nhật được những xu hướng mới nhất về thế giới thời trang.

Công việc đến với Thảo khá tình cờ khi một người bạn đồng nghiệp bây giờ thấy cô thường tư vấn cho bạn bè cách ăn mặc và mang lại hiệu quả tích cực nên muốn hợp tác với bạn.



Cô bạn thổ lộ: “Đến  với công việc stylist, Thảo thể hiện được các ý tưởng, sự sáng tạo của bản thân đồng thời phát huy tính năng động, tự tin của mình trong việc tìm tòi, học hỏi và  nghiên cứu những điều mới lạ.

Không chỉ vậy, khả năng giao tiếp trong các mối quan hệ của mình cũng được nâng cao. Vì từ bé, Thảo vốn nhút nhát, ít khi dám đưa ra ý kiến nhưng từ khi làm công việc này, mình đã chủ động đưa ra chính kiến, suy nghĩ của bản thân. Thu nhập của công việc này khá cao: 300 – 500 nghìn/bộ ảnh dành cho stylist nên Thảo coi đây là công việc part – time lý tưởng”.

Theo Thảo, với một người làm stylist, tính nhanh nhạy và linh hoạt rất cần thiết. Cô bạn cho biết có lần chọn đồ cứ nghĩ khách mặc vừa kích cỡ đó nên chủ quan mang đi, không hỏi lại.  Kết quả là chật quá nên chiếc váy bị rách. Lúc đó Thảo rất lúng túng, lo sợ, không biết phải thế nào.

Thời gian lại gấp quá nên bạn đành liều lĩnh, cắt váy đó làm cho nó bụi bặm đồng thời gợi ý cho khách mặc thêm chiếc quần Jean. Rất may là bộ ảnh đó khách hàng lại hài lòng hơn phong cách dịu dàng chọn lúc đầu nên khi khách ra về, Thảo mới dám thở phào nhẹ nhõm.



Còn với Duy Hoàng (ĐH Thương mại) thường xuyên stylist cho Xưởng thời trang VTV6 cho biết, để làm tốt vai trò của công việc stylist là phải am hiểu về nhiếp ảnh, bố cục, cách thể hiện của người mẫu và quan trọng nhất là năng khiếu cảm nhận cái đẹp.

Hoàng chia sẻ: “Nghề stylist khá khó khăn khi luôn phải tìm tiếng nói chung và sự đồng điệu của những nhân vật cộng tác với mình, không chỉ là khách hàng mà còn là đội ngũ e – kip thực hiện.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi một stylist cần phải nắm rõ đặc trưng của từng đối tượng ở các lĩnh vực cụ thể để tạo nên sự khác biệt. Vì vậy, mình nghĩ nghề này rất cần độ tinh tế về thời trang cũng như sự thường xuyên học hỏi, cập nhật xu hướng để mang lại các phong cách mới mẻ cho khách hàng”.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More