Khi 9X Sài thành làm giàu

Trong khi Lê Bình đi làm thuê để học cách trở thành ông chủ thì Hòa Thuận mở một quán trà chanh "chém gió" rất đảm bảo chất lượng, còn Huân đẩy xe đi bán đồ ăn vặt.

Đầu năm 2013, trong khi nhiều người lớn còn đau đầu vì “một năm kinh tế buồn”, có nhiều 9X đã nỗ lực khởi nghiệp... hoặc nói đơn giản hơn là làm việc, làm giàu theo một cách... chỉ có họ mới nghĩ ra.



Trà chanh “hoàng tử”

Nhiều tuần nay, nhóm bạn của Đỗ Trường Hải Hòa Thuận (11A1 TTGD TX quận Bình Thạnh, TP.HCM) quyết định hùn hạp mở một quán trà chanh vỉa hè. Kinh doanh “trà chanh chém gió” đã không còn là mới, bởi các quán trà chanh đang mọc lên, quen thuộc với teen thành phố. Nhưng các chàng trai này lại biết cách làm mới ý tưởng cũ bằng 3 chiêu rất... “hợp thời cuộc”:

1. Lựa chọn thị trường tiềm năng: Nhận thấy cơn sóng “trà chanh chém gió” nở rộ ở các khu vực trung tâm TP.HCM nhưng vẫn còn vắng bóng ở quận 2 - nơi có đời sống giới trẻ sôi động không kém các quận nội thành, nhóm “doanh nhân” 9X này chọn vỉa hè phường Thảo Điền làm địa điểm “đóng đô”.

2. Tạo niềm tin cho khách hàng: Dư luận dạo gần đây xôn xao về bột trà chanh Trung Quốc không đạt chất lượng có chứa chất gây ung thư. Ngay lập tức nhóm bạn đã đánh trúng tâm lý khách hàng bằng cam kết dùng trà thật, chanh thật và chế biến trực tiếp ngay trước mắt thực khách. Dù thời gian chờ đợi hơi lâu nhưng được nhìn thấy tận mắt công đoạn chế biến cộng với độ an toàn về đảm bảo vệ sinh, khách hàng cũng thấy yên tâm và có thiện cảm.

3. Đầu tư phần nhìn: Nắm bắt được thị hiếu của các bạn trẻ, không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm ăn uống, cả 3 anh chàng còn chú ý mặc trang phục thật mốt, “tút” lại vẻ ngoài thật bảnh như mấy mĩ nam Hàn Quốc để phục vụ “phần nhìn” của khách. Chiêu này theo lý thuyết marketing được gọi là chiến lược cạnh tranh bằng tính năng phụ trội.



Làm thuê để trở thành ông chủ

Ngay từ những ngày đầu học cấp 3, anh chàng Lê Văn Bình (10A13 trường THPT Trần Quang Khải, TP.HCM) đã thử sức trong vai trò cộng tác viên marketing của một công ty thời trang.

Lý do của Bình rất đơn giản: “Mình mê kinh doanh và nghĩ không bao giờ là quá sớm để bắt đầu”. Công việc thường ngày của Bình là “rủ rê” khách hàng, nhận hợp đồng chuyển về công ty và giao sản phẩm cho khách. Một tháng Bình cũng “xúc tiến” được 4-5 hợp đồng, với hoa hồng ít nhất từ 100.000 đồng trở lên.

Trước kia, Bình kiếm được bao nhiêu thì tiêu hết bấy nhiêu. Giờ thì cậu quyết tâm để dành toàn bộ số tiền kiếm được cho kế hoạch có một cửa hàng thời trang của riêng mình trong tương lai.

Nói về công việc, Bình rất háo hức: “ Ngoài tiền, công việc này còn đem lại cho mình rất nhiều điều thú vị. Mình có kinh nghiệm giao tiếp, thuyết phục người khác để tạo mối quan hệ. Mình cũng học dần cách quản lý doanh số bằng máy tính, sắp xếp thời gian để vừa học giỏi vừa làm tốt... Vui nhất là giờ mình tin chắc, nếu mình mở cửa hàng riêng, mình sẽ có thêm nhiều khách quen tới ủng hộ”.

“Gà cưng” của Quốc Huân


Gần nửa năm nay, cứ chiều chiều Quốc Huân (cựu học sinh THPT Phú Nhuận, TP.HCM) lại đẩy qua khu vực hồ Con Rùa rồi vòng về trường tiểu học Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) để bán các món bánh tự chế.



Cậu gọi chiếc xe của mình là “con gà”, vì món tủ của Huân là món bánh trứng gà nướng. Loại bánh này lạ lẫm với công thức độc đáo kết hợp giữa bánh tart trứng của phương Tây và nhân bánh mì kẹp thịt Sài Gòn.

Trả lời cho câu hỏi tại sao lại “chế” ra món bánh này, Huân cười tít mắt: “Ở một thị trường ăn vặt sôi động như TP.HCM, để cạnh tranh với nhiều đối thủ khác, bạn phải tạo được dấu ấn riêng”. Hai tháng trước khi cho ra mắt “con gà”, Huân đã tự mày mò, thử nghiệm, chế ra hàng chục kiểu bánh khác nhau. Khách hàng bất đắc dĩ kiêm chuyên gia tư vấn không ai khác chính là em trai Huân. Sau vài tháng trình làng, món bánh gồm trứng gà, phô mai, xúc xích, thịt nguội, chà bông, mỡ hành đã trở thành món khoái khẩu của rất nhiều khách hàng tuổi “nhóc” đến tuổi teen.

Những bạn trẻ như Quân, Bình, Thuận, dù chưa giàu, cũng chưa hẳn thành công nhưng công việc hoặc những “phát kiến” nho nhỏ ấy đang giúp họ lượm lặt những kỹ năng trên con đường lập nghiệp sau này và một chút ít thu nhập trước mắt. Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu khởi nghiệp.


0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More