Trong 2 năm qua, nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha José Antonio de Lamadrid đã âm thầm ghi lại cuộc sống hàng ngày của anh em sinh 3 nhà Morillo Aguilar. Cả 3 anh em 18 tuổi đều mắc chứng tự kỷ ở các giai đoạn khác nhau. Bản thân Lamadrid cũng có cháu trai mắc chứng tự kỷ. Ông gặp anh em sinh 3 nhà Morillo Aguilar trong lần làm tình nguyện cho Autismo Sevilla, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ các bậc phụ huynh có con bị tự kỷ. “Tôi nghĩ rằng những bức ảnh của 3 anh em sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về chứng bệnh này”, Lamadrid nói, “mặc dù phụ thuộc nhiều vào gia đình nhưng họ cũng có khả năng sống cuộc sống bình thường và hạnh phúc”.
3 anh em Alvaro, Jaime và Alejandro gần như không bao giờ sống độc lập mà dựa vào nhau để đối mặt với thế giới xung quanh. Là người có khả năng hòa nhập xã hội bình thường nhất, Jamie đóng vai trò phát ngôn cho 3 anh em. Cậu cũng là người có trí thông minh đáng kinh ngạc trong các trò đố trắc nghiệm. “Nếu bạn đưa cho cậu ấy một ngày bất kỳ, ví dụ như ngày mồng 2 tháng 5 năm 2001, cậu ấy sẽ nhanh chóng cho bạn biết đó là thứ Sáu hay thứ Bảy”, Lamadrid nói, “cậu ấy là tiếng nói của các anh em và thường đại diện cho 2 người còn lại”.
Alejandro ít nói hơn Jamie, nhưng có kỹ năng rất "độc" là xếp được 1.000 mảnh ghép hình chỉ trong vài tiếng. Alvaro bị tổn thương não nên gần như rất ít khi nói chuyện, nhưng vẫn thường thích xem phim với những người anh em của mình. Mặc dù cả 3 đã trưởng thành nhưng trạng thái tinh thần thì chỉ ở giai đoạn của trẻ lên 3.
Lamadrid cho hay, 3 chàng trai này là một trong số những đối tượng chụp ảnh mà ông yêu thích nhất, đồng thời cũng là những người có tinh thần hợp tác tốt nhất. “Họ cho phép tôi hòa vào cuộc sống của họ, không quan tâm về chiếc máy ảnh hay tôi”, ông nói, “họ là đối tượng mà bất kỳ nhiếp ảnh gia nào cũng muốn hợp tác trong chặng đường sự nghiệp”.
Mẹ của 3 chàng trai, Noelia Aguilar, gây ấn tượng mạnh cho Lamadrid trong suốt quá trình ông thực hiện bộ ảnh. Ông kể lại: “Tôi đã thực sự kinh ngạc về cô ấy. Cô ấy cố gắng mang lại cho các con một cuộc sống bình thường. Hai vợ chồng tự mình chăm sóc các con và luôn biết khi nào thì nên thúc ép và khi nào thì nên dừng lại để lắng nghe”.
Thông qua bộ ảnh về anh em sinh 3, Lamadrid hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy chính phủ Tây Ban Nha và các tổ chức hỗ trợ người tự kỷ có thêm nhiều hoạt động giúp đỡ cho những gia đình như nhà Morillo Aguilars. “Tôi biết rằng mặc dù gặp phải tình trạng như vậy, gia đình họ vẫn sống rất tích cực. Mỗi ngày đều đối mặt muôn vàn khó khăn nhưng họ luôn mỉm cười trong giấc ngủ”, Lamadrid chia sẻ.
Những bức ảnh này được chụp ở Seville, Tây Ban Nha trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2013.
Jaime, Alejandro và Álvaro đến trường trên chiếc xe của bố mẹ.
Jaime và Noelia, bố mẹ của anh em sinh 3, chuẩn bị đưa các con ra ngoài.
Alejandro ở trường.
Álvaro không cho các anh động vào món khoai tây chiên của mình trong nhà hàng ở Seville.
Vào các ngày thứ Sáu, 3 anh em đi đến một trung tâm vui chơi giải trí
với những đứa trẻ bị bệnh tự kỷ khác.
Álvaro không thích tiếng ồn nên bịt tai lại bên trong trung tâm vui chơi.
Jaime và Alejandro viết nhật ký mỗi ngày.
Ông bố Jaime tắm rửa và cạo râu cho Alejandro.
Cả gia đình đi đến một bệnh viện tâm thần để thu thập báo cáo mới nhất về tình trạng của 3 con trai.
Noelia và Jaime xem qua những hình chụp X-quang của các con trên chuyến xe bus về nhà.
Vào các ngày thứ Sáu, cả gia đình đi đến thư viện thị trấn để tìm phim.
Noelia và Jaime có rất ít khoảnh khắc thân mật. Bức ảnh này là giây phút hiếm hoi cả
hai âu yếm nhau trong lúc Alexander nhìn một cách tò mò.
Álvaro tự mặc quần áo vào buổi sáng để đi đến trường.
Álvaro thường mang theo một cái gì đó được cậu gọi là “phát minh” như những
hình thù làm từ đất sét, các vật gia dụng như lược, kéo hay giấy.
Álvaro che mặt trong khi các anh phơi quần áo.
Alexander soi chăm chú vào chiếc gương trong siêu thị.
Ba anh em rời khỏi bữa tiệc nhà hàng xóm để trở về nhà.
Theo Trí Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét