Có công bằng không khi cởi trần chạy theo xe được vinh danh, khóc ngất bị cho là nhục quốc thể?
So sánh khập khiễng
Arsenal đến Việt Nam trở thành sự kiện gây chú ý cư dân mạng trong những ngày vừa qua, bởi một CLB trong Top 4 Premier League lần đầu ghé qua đất nước hình chữ S. Đối với người hâm mộ bóng đá (đặc biệt là người hâm mộ Arsenal), đây là cơ hội hiếm có được gặp thần tượng, chụp ảnh và xin chữ ký.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu một CĐV Arsenal tên Vũ Xuân Tiến không chạy 8km (3km bằng xe máy, 5km chạy bộ) đuổi theo xe chở các cầu thủ và được HLV Arsene Wenger ưu ái cho lên xe. Chính sự việc này đã châm ngòi cho cuộc tranh cãi gay gắt giữa fan Kpop và fan bóng đá. Hàng loạt bài báo đưa những so sánh giữa 2 bên nhưng ý kiến bên phe bóng đá lại vô cùng chi tiết và đầy sức thuyết phục, còn trích dẫn bên Kpop lại rất chung chung khiến cuộc tranh luận không có hồi kết.
Tình cảm là thứ không thể giải thích bằng lí lẽ, thần tượng một ai đó cũng thế. Fan bóng đá cho rằng yêu bóng đá thì được gọi là “người hùng”, còn yêu Kpop thì bị coi là “nỗi nhục quốc thể”. Nhưng nếu mang những hình ảnh tốt đẹp của người hâm mộ bóng đá để so sánh với những khoảnh khắc “xấu xí” của fan “cuồng” Kpop thì lại rất khập khiễng.
Nếu tháng 11/2012, cư dân mạng chỉ trích chàng trai khóc mếu máo tại sân bay vì niềm vui được gặp nhóm nhạc Hàn Quốc T-ara, thì mới đây, các fan bóng đá quá khích suýt gây hấn khi tranh giành chiếc mũ tặng của Arsenal. Nếu tình trạng chen lấn, la hét, giẫm đạp để nhìn thấy thần tượng Kpop không còn lạ thì quang cảnh náo loạn, xô đẩy, ồn ào khi đi xem trận bóng đã quá phổ biến.
Fan Kpop khóc khi được nhìn thấy T-ara
Fan bóng đá quá khích suýt gây hấn nhau để giành giật chiếc mũ Arsenal
Fan Kpop chen lấn nhau đến ngất xỉu...
...thì fan bóng đá có khi đốt pháo sáng trên khán đài
Nhiều người chỉ trích hành động chờ đợi vật vờ thâu đêm để đón thần tượng Hàn Quốc nhưng lại tỏ ra thông cảm khi người hâm mộ bóng đá sẵn sàng thức trắng chờ mua vé hay ngủ tại sân bay cho đến giờ Arsenal hạ cánh. Nếu fan “cuồng” Kpop xúc phạm người thân, bán mình lấy tiền mua vé thì nhiều người tan cửa nát nhà bởi “tình yêu bóng đá” trót dính liền với cá độ. Fan Kpop gây tắc đường, kẹt xe thì fan bóng đá cũng làm điều tương tự khi một đội bóng yêu thích chiến thắng, mà người ta đã đặt hẳn tên cho hành động đó là “đi bão”.
Fan Kpop bị chỉ trích vì vật vờ chờ sao Hàn
Trong khi fan bóng đá cũng ngủ tạm tại sân bay chờ Arsenal
Người ta chê fan Kpop làm tắc đường
Còn khi có bóng đá thì cần phải huy động rất nhiều CSGT
Nói cách hâm mộ thái quá của một bộ phận fan Kpop làm xấu đi hình ảnh đất nước trong con mắt bạn bè thế giới cũng có phần đúng, nhưng khi đem so sánh để nâng tầm người hâm mộ bóng đá thì cần xem xét lại. Cách đây không lâu, hàng loạt fan MU Việt Nam đã truy tìm fanpage của trọng tài Cakir, người được xem là có những quyết định sai lầm trong trận đấu giữa MU và Real Madrid. Và sau trận đấu đó, trên trang fanpage của vị trọng tài người Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện rất nhiều những câu chửi rủa, lăng mạ bằng tiếng Việt. Không những thế, từ lâu, một số người hâm mộ bóng đá thường xuyên thể hiện tình yêu với đội bóng mình yêu thích bằng cách chửi những đội bóng khác, đặc biệt là trên các mạng xã hội hoặc các trang báo thể thao online. Vậy không riêng gì fan Kpop, cả fan bóng đá đôi khi cũng có những hành động gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.
Hình ảnh fan Kpop làm mất đi thiện cảm của bạn bè thế giới
Còn fan bóng đá có khi cũng gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước
Không thể "quơ đũa cả nắm"
Chẳng riêng gì Kpop hay bóng đá, bất cứ lĩnh vực nào đều có lượng người hâm mộ nhất định, nhưng bởi mỗi cá thể lại có một tính cách riêng nên nảy sinh ra những thành phần “cuồng” hay “mê muội” cũng là điều dễ hiểu. Nếu với Kpop, ta gọi thành phần ấy là “fan cuồng” thì bên bóng đá, cũng có thuật ngữ riêng: “hooligan”. Cả 2 từ này đều chỉ những người hâm mộ quá khích dẫn đến nhiều hành động quậy phá, ảnh hưởng xấu đến người khác. Và "fan cuồng" hay "hooligan" đều bị người hâm mộ Kpop và bóng đá chân chính phê phán, tẩy chay.
Tuy nhiên, đây chỉ là những bộ phận rất nhỏ trong cộng đồng người hâm mộ, vì vậy sẽ rất vô lý nếu đem “những con sâu làm rầu nồi canh” để quy chụp toàn bộ fan. Vẫn có những cổ động viên đúng nghĩa “cháy” hết mình ủng hộ đội bóng nhưng văn minh và vẫn có những đối tượng yêu thích Kpop một cách cuồng nhiệt nhưng chừng mực có suy nghĩ. Còn nhớ đề văn thi đại học năm 2012 đã gây ra sự tranh cãi quyết liệt, nhưng nó lại có thể áp dụng cho hầu hết mọi tình cảm hâm mộ thần tượng: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”.
Nắng như đổ lửa nhưng fan vẫn xếp hàng dài trật tự cả ngày trời chờ mua vé Super Show 3
Fan SuJu nhặt rác trên sân Mỹ Đình đợt MTV Exit
Gần 2.000 CĐV Arsenal ngồi ngay ngắn trong buổi giao lưu
CĐV Arsenal cháy hết mình nhưng vẫn rất văn minh
Cổ động viên bóng đá hay người hâm mộ Kpop đều có những hình ảnh đẹp đầy tự hào nhưng đôi khi cũng có những hành động chưa đẹp khiến dư luận nhắc nhở… Trên hết, họ đều là những người hâm mộ thể hiện tình cảm với thần tượng của mình. Và việc theo đuổi đam mê, yêu thích vả cảm xúc là quyền lựa chọn của bản thân (miễn nó không làm ảnh hưởng xấu đến người khác) bởi mỗi sở thích, mỗi con người đều đáng được tôn trọng.
So sánh hai bên cũng chẳng giải quyết được điều gì khi mỗi bên mang những yếu tố, đặc điểm nhất định, vì thế cách thức thể hiện tình cảm cũng khác nhau. Nếu chàng trai “Running Man” chạy bộ 5km để đuổi theo chiếc xe Arsenal thì fan Kpop cũng sẽ chạy theo xe chở thần tượng Hàn Quốc. Không bàn đến việc họ có chạy được 5km hay không, nhưng cả hai chạy cùng vì một lý do: người họ thần tượng đang ở phía trước.
0 comments:
Đăng nhận xét