Xuất phát chỉ từ đôi ba câu mà nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 “sẩy miệng” khi trả lời phỏng vấn, thế nhưng lại khiến dư luận “bùng nổ” suốt nhiều ngày qua, kéo theo những bài học đáng suy ngẫm về văn hóa ứng xử trong showbiz.
Chuyện bắt đầu từ một bài phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về nhạc Việt hiện nay. Khi được yêu cầu đánh giá năng lực của một số ca sĩ nổi tiếng như: Thanh Lam, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng… nhạc sĩ đã đưa ra các quan điểm khá gay gắt như: Thanh Lam hát thua ca sĩ nghiệp dư, Mỹ Tâm nhờ may mắn mới nổi tiếng, Hồ Ngọc Hà hát chỉ nghe chơi thôi… Nặng nề nhất có lẽ là nhận xét về Đàm Vĩnh Hưng, rằng ông thậm chí còn không xem Mr. Đàm là ca sĩ đúng nghĩa mà chỉ là một người hát.
Những nhận định sắc bén này, sau khi được công khai, hiển nhiên liền trở thành “lưỡi dao” cứa vào lòng không ít người, bao gồm ca sĩ bị điểm danh - dù nói ra hay không, chắc chắn vẫn không khỏi tổn thương - và người hâm mộ của họ.
Thế nhưng sự việc chỉ đến cao trào khi nam ca sĩ lãnh lời phê “chát” nhất – Mr. Đàm lên tiếng, bằng cả một bức tâm thư chất vất vị tiền bối thân thiết, và ám chỉ ông là ngụy quân tử. Phản ứng dữ dội này khiến dư luận từ “dậy sóng” chính thức chuyển thành “nổi bão”. Nếu trước đó, người ta chỉ tranh cãi về âm nhạc thì từ sau khi bức tâm thư của Mr.Đàm ra đời, chủ đề tranh luận được mở rộng thêm về đạo đức và văn hóa ứng xử của người làm nghệ thuật. Ban đầu, cuộc “khẩu chiến” chỉ bao gồm khán giả, sau đó thì cả ca/nghệ sĩ cũng “tham chiến”.
Lời qua tiếng lại, đưa sự việc đi ngày một xa mà chung quy, không một kết quả nào vẹn toàn, chỉ thêm nhiều mối quan hệ đồng nghiệp đổ vỡ, nhiều người tổn thương hơn. Việc vô nghĩa phải chăng đã đến lúc nên dừng lại? Trước khi khép lại, hãy cùng bình tĩnh nhìn lại và rút ra những bài học trong quan hệ giữa người với người ở showbiz nói riêng, và ở đời nói chung.
“Thuốc đắng giã tật” nhưng” “lời nói không mất tiền mua”
Người Việt Nam hẳn đều biết câu “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”.
Những lời nhận xét thẳng thắn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chắc hẳn là liều thuốc vô cùng đắng đối với lớp ca sĩ hiện nay, đặc biệt là những ai bị “chỉ mặt, gọi tên” trong bài phỏng vấn. Ở vị trí một tiền bối, một người am hiểu về âm nhạc hơn, nhạc sĩ có đủ quyền và tư cách để nhận xét như vậy. Và chắc chắn, ông không chê đàn em vì ganh tị, càng không phải để tạo scandal. Vị nhạc sĩ già này đơn thuần chia sẻ suy nghĩ thật của ông về họ, khi được hỏi. Hoặc nếu nhìn theo hướng tích cực, ông đang giúp họ nhận ra thiếu sót để hoàn thiện.
Thế nhưng, chắc cũng không ai lại không biết câu “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Không phải tự nhiên ông cha ta lại răn dạy điều này, hay “Trước khi nói phải uốn lưỡi 7 lần”. Bởi lẽ, tùy tiện ăn có thể bị đau bụng, tùy tiện nói rất dễ gây đau lòng.
Đã là người, sống trên đời, không ai mà không có tự ái, không ai lại không bị tổn thương. Bản thân nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 rõ hơn ai hết điều này, nên ngay sau “tâm thư” của Mr. Đàm, ông đã lên tiếng, rằng mình hiểu nghệ sĩ nào cũng có tự ái, danh dự. Thậm chí, chính ông còn thấy bức xúc khi đọc lại bài phỏng vấn kia.
Vậy Đàm Vĩnh Hưng sao có thể không bị đả kích? Huống gì, ông còn là người anh luôn gọi bằng “bố”. Càng yêu thương, tin tưởng một người, lại càng đau lòng, càng bị đả kích khi người đó tổn thương mình. Giá như, cùng quan điểm ấy, cùng đối tượng ấy, nhạc sĩ cẩn trọng hơn khi nói chuyện với phóng viên (hoặc tốt hơn hết là góp ý riêng với từng ca sĩ), và phóng viên kia cũng truyền tải đúng tinh thần những điều ông nói - hơn là cố tình khuấy đảo dư luận - thì chuyện đáng tiếc đã không xảy ra, một tình cảm đẹp giữa “bố” nhạc sĩ và “con” ca sĩ đã không vì thế mà tan nát.
Kính trên, nhường dưới
Thực tế, con người khi bị đả kích thì có rất nhiều cách đáp trả. Nhưng một khi đã bị kích động thì không phải ai cũng đủ bản lĩnh để chọn lựa cách đúng như Mỹ Tâm khi bình thản đáp: “Chú (nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9) nói gì thì cũng có sao đâu, chú cũng như ba mẹ mình mà. Chú nói thì mình nghe thôi chứ nói lại sao được”. Thế nhưng, sự thật Đàm Vĩnh Hưng không phải Mỹ Tâm.
Cái sai lớn nhất của Đàm Vĩnh Hưng trong việc này là cách anh đốp chát đáp trả nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Là người đầy kinh nghiệm showbiz, ngay từ đầu, Đàm Vĩnh Hưng có thể hiện sự trưởng thành của bản thân khi dặn dò fan “không được hỗn”. Có lẽ khi ấy, anh còn chưa tận mắt thấy bài phỏng vấn kia. Sau đó, khi đã đọc hết, thì anh lại cãi lời của chính mình. Tuy rằng lỡi lẽ trong note của Đàm Vĩnh Hưng không có 1 từ hỗn láo, xúc phạm, nhưng những ngôn từ chua cay, chỉ trích thực sự khiến cho mọi người cảm thấy khó hiểu.
Cách hành xử như vậy, đối với một người lớn tuổi hơn mình đã là không đúng. Trong lúc nóng giận, dường như Mr. Đàm đã quên mất mình phải “kính trên”. Vậy nên lúc này, anh đang phải gánh chịu búa rìu dư luận từ cơn phẫn nộ của khán giả và đồng nghiệp.
Về phía nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, ông thể hiện sự điềm tĩnh và hiểu chuyện khi có hành động “nhường dưới” rất đẹp, đó là ngỏ ý xin lỗi Đàm Vĩnh Hưng. Làm sai, bảo lên báo công khai xin lỗi trước triệu người đã là khó. Càng khó hơn với một người như Nguyễn Ánh 9. Bởi lẽ người trẻ hạ mình đã khó. Người có tuổi, có địa vị trong nền âm nhạc nước nhà như ông, nói một câu “xin lỗi” lại càng vô cùng khó!
Nhưng ông đã muốn làm, đủ thấy ông có bao nhiêu yêu thương dành cho Mr. Đàm. Điều này có lẽ chính anh cũng hiểu, cho nên từ lúc đó đến nay, không thấy anh đáp trả gì thêm.
Thay lời kết: Khi “dư luận” trở thành bàn luận dư thừa
Từ sau khi Mr. Đàm đốp chát đáp trả nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đến nay, dù người trong cuộc vẫn im lặng nhưng mỗi ngày đều có hàng loạt ca/nhạc sĩ lên tiếng, cộng với đông đảo khán giả tranh luận khí thế. Người thì bênh vực nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, người lại về phe Mr. Đàm, số khác mổ xẻ âm nhạc… Nhưng những việc đó liệu có ích gì?
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 hay Mr. Đàm, trong lúc này, liệu có cần phe cánh? Khán giả thì đã đành, vì xét trên góc độ người xem, họ chỉ đang bàn luận. Còn những đồng nghiệp lại khác, mỗi người lên báo nói, đều đang “diễn” một vai trong “vở kịch” này, hay "đánh đu" vào sự kiện, đưa ra đôi ba lời bình luận dù nó chẳng hề liên quan tới mình.
Thay vì “đổ thêm dầu vào lửa”, có nên chăng cho họ sự bình yên để bình tâm nhìn nhận lại mọi thứ.
Tình cảm giữa người với người, có thì khó, mất đi lại quá dễ. Vậy nên người ngoài đừng góp phần “thiêu trụi” tình cảm này, đừng hả hê nói cười khi nhìn 2 con người từng thân thiết, giờ lại không thể nhìn mặt nhau.
Còn về khía cạnh âm nhạc... 9 người 10 ý, nói sao cho vừa? Trong cùng thế hệ, còn có người thích Đàm Vĩnh Hưng, có người thần tượng Mỹ Tâm, lại có người mê Hồ Ngọc Hà, hay như Bảo Thy cũng đầy fan ra đấy thôi. Khó trách sao người khác thời khó chấp nhận lẫn nhau, mà thông thường là người thời trước khó chấp nhận người thời sau.
Ví như ở nhà chúng ta, chẳng phải ông bà, bố mẹ vẫn thường chán ngán “bọn trẻ bây giờ…” đó sao? Chung quy âm nhạc là giai điệu của cảm xúc. Mà thứ gì thuộc về xúc cảm thì đều khó nắm bắt lắm, có thể bình luận nhưng tuyệt không nên tự đặt ra tiêu chuẩn mà phê phán ai. Bởi có cái bạn thấy hay, không có nghĩ người khác cũng thấy. Ngược lại, cái bạn chê dở, chắc gì không ai khen hay.
Các nghệ sĩ lão làng như Nguyễn Ánh 9, đạt được thành tựu như bây giờ, chắc chắn âm nhạc của ông phải có một ý nghĩa to lớn. Còn Đàm Vĩnh Hưng hay Thanh Lam, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà… để đến được vị trí hôm nay, trong tiếng hát của họ, chắc không thể thiếu sức hút, hay cảm xúc làm rung động người nghe.
Một lần nữa, mọi chuyện nên khép lại tại đây. Mỗi người nên dành cho người khác sự tôn trọng nhất định!
0 comments:
Đăng nhận xét