Quang Anh đang phải "hứng chịu" sự kì thị xấu xí của người lớn

Sau chiến thắng tối qua, Quang Anh đã vô tình trở thành mục tiêu để hàng trăm, hàng nghìn khán giả "mổ xẻ", bình luận với lời lẽ từ bình thường, đến cay độc bởi những chuyện có lẽ chính em cũng không hiểu.

Lại là tâm lý "bầy đàn"?

Quang Anh
vừa đăng quang Giọng hát Việt nhí 2013 trong những tranh cãi trái chiều của dư luận. Người phản đối thành công này có thể vì muốn bảo vệ Phương Mỹ Chi - ứng cử viên nặng kí cho ngôi vô địch hay cậu bé hồn nhiên Ngọc Duy. Người thì lại có thể cảm thấy bất công vì cho rằng chương trình quá chăm chút cho  Quang Anh? Người khăng khăng bảo thái độ của em khi nhận giải "như là biết tỏng rồi"?

Hay nguyên nhân chính là do bức ảnh chụp 2 công văn được cho là vận động bình chọn cho Quang Anh do Sở giáo dục và đào tạo Thanh Hóa ban hành  được tung lên mạng?

Trong mỗi cuộc thi, sẽ có vô số lí do để bạn chỉ trích 1 người bạn không thích. Một câu hát ngân quá cao - khoe giọng à? Tinh tướng! Áo mặc gì mà ghê thế - không biết thời trang là gì à? Nhà quê!!!

Quang Anh đang phải "hứng chịu" sự kì thị xấu xí của người lớn 1

Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu khán giả có đang hành động đúng khi "chĩa mũi dùi" vào một cậu bé nhỏ tuổi như Quang Anh? Dường như nhiều người lại đang mang những suy nghĩ, đố kị của người lớn để "đổ" hết lên đầu 1 đứa trẻ con. Họ "hả hê" nói, bất chấp đối tượng bị họ phê phán kịch liệt chỉ là 1 đứa trẻ con, có lẽ cũng chỉ ngang tuổi em nhỏ hay con cháu ở nhà. Tất cả đều say sưa nói, say sưa thể hiện quan điểm của mình trên mạng. May mắn là từng ấy con người không cùng nói bằng miệng, nếu không số "nước bọt" văng ra chắc chắn cũng sẽ làm trắng xóa cả 1 vùng đất. Có lẽ bình luận, nhận xét theo kiểu "tao biết hết" đã trở thành 1 thói quen không thể bỏ của khán giả Việt. Họ nhân danh số đông hay "lẫn" vào số đông để tha hồ được nói và chỉ trích. 

Sau mỗi cuộc thi những câu chuyện dèm pha về người chiến thắng như mua giải, kết quả sắp đặt trước, tài năng như thế mà cũng chiến thắng, còn cô A, anh B bị thua bất công, đã trở thành "truyền thống" của rất nhiều người. Thôi thì với người lớn, điều đó cũng coi như chút thử thách nho nhỏ trước khi bước vào thế giới hòa nhoáng hơn, cái giá phải trả để nổi tiếng? Nhưng mang suy nghĩ như vậy áp đặt lên 1 đứa trẻ con, đã bao giờ bạn cảm thấy mình thật nhỏ mọn và đáng xấu hổ.

Quang Anh đang phải "hứng chịu" sự kì thị xấu xí của người lớn 2

Chiến thắng của Quang Anh là hoàn toàn thuyết phục. Rất nhiều người đã cùng nhau dự đoán như vậy trước đêm chung kết về chiến thắng của Quang Anh, dù có người có thể là fan của Mỹ Chi hay Ngọc Duy. Họ đã nhìn thấy được tố chất, khả năng vượt trội sẽ giúp em tỏa sáng. Trước giờ phút chung kết, "trời yên biển lặng", tất cả cùng chờ đón những màn biểu diễn dễ thương của các em.  Quang Anh, Mỹ Chi và  Ngọc Duy đều nhận được rất nhiều tình cảm chân thành từ phía người hâm mộ.

Nhưng chỉ sau khi 1 bức ảnh chụp hình công văn vận động bị lan truyền, hay sự xuất hiện đặc biệt hơn của người thân Quang Anh, nhiều người đã ngay lập tức bị "lung lay". Trước đó có thể họ là người "tung hô" em lên trận mây xanh, vậy mà vài phút sau chưa cần biết đúng sai, nhiều người hay lập tức tỏ ra mình bị "tổn thương", cùng nhau nhấn chìm em xuống với vô vàn từ ngữ kì thị. Sau giờ phút công bố người chiến thắng, nhiều người bắt đầu "hô hào" Mỹ Chi thắng mới đúng, Ngọc Duy sao không đoạt giải? Quang Anh thì là cái gì? Khi một người lên tiếng, nhiều người khác cũng lập tức hùa theo mà thậm chí không hiểu rõ vẫn đề, không có chính kiến riêng, không suy xét trước sau. Với tốc độ lan truyền của mạng xã hội, những thông tin được nhìn nhận thiếu thiện chí, đầy hằn học, ác cảm đã bị "nhân bản" ở khắp mọi nơi.

Quang Anh đang phải "hứng chịu" sự kì thị xấu xí của người lớn 3

Quang Anh đang phải "hứng chịu" sự kì thị xấu xí của người lớn 4

Thật buồn khi khán giả tỏ ra mình là người bị "tổn thương", "bị lừa" mà chúng ta không nghĩ đến người đáng lẽ phải cảm thấy bị tổn thương nhất, bị lừa lại chính là các em nhỏ Quang Anh, Mỹ Chi, Ngọc Duy. Chắc hẳn các em cũng sẽ phân vân không biết rốt cuộc mình đi thi như này là đúng hay sai? Tình cảm mọi người dành cho mình có là thật không?

Khoan vội bàn đến việc cuộc thi là để đi tìm tài năng ca hát mới cho làng giải trí Việt, cuộc thi trong mắt các em nhỏ có lẽ đơn giản hơn nhiều. Với các em đó là sân chơi, nơi các em cất tiếng hát để mang đến niềm vui cho chính bản thân mình và mọi người. Ai đã từng xúc động khi đọc những dòng chia sẻ của bố em Lương Thùy Mai khi đưa con đi thi The Voice Kids, chắc hẳn đều sẽ nhận ra rằng các ông bố bà mẹ đưa con đi thi không phải mưu cầu chuyện con mình nổi tiếng, kiếm tiền. Dù vất vả, dù tốn kém, dù có thể chẳng nhận lại được gì, bố mẹ vẫn không tiếc lo cho các em vì mong muốn con mình được vui vẻ, được thỏa nguyện ước mơ.

Quang Anh đang phải "hứng chịu" sự kì thị xấu xí của người lớn 5
Hãy để cho các em được vui vẻ hát bằng trái tim mình

Vậy mà giờ đây sau một vài sự cố mà bản thân các em nhỏ chắc cũng không thể hiểu hết, thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của những câu chuyện này, nhiều người đang ra sức chỉ trích các em, dập tắt niềm vui nơi con trẻ.

Lỗi ở người lớn?

Nhìn thẳng vào câu chuyện văn bản động viên bình chọn cho Quang Anh được cho là do Sở giáo dục & đào tạo tỉnh Thanh Hóa ban hành, nếu chịu khó suy xét chắc chắn khán giả có thể hiểu được vấn đề, thay vì đi "ném đá" lung tung.

Quang Anh đang phải "hứng chịu" sự kì thị xấu xí của người lớn 6

Quang Anh đang phải "hứng chịu" sự kì thị xấu xí của người lớn 7

Đọc từng câu, từng chữ trong văn bản trên, chắc chắn nhiều người sẽ nhận ra rằng trong lời lẽ trong văn bản trên là lời kêu gọi, vận động chứ không phải ép buộc. Quả thực, tâm lý chung của con người, ai mà chẳng ưu ái hơn cho người con của quê hương mình. Đặc biệt lai là 1 cậu bé có hoàn cảnh khó khăn nhưng giàu nghị lực như Quang Anh. Tuy mục đích có thể là tốt, nhưng nếu nó chỉ đơn thuần được phát đi dưới dạng lời kêu gọi bình thường, thay vì là công văn giấy tờ mà từ trước đến giờ trong mắt mọi người luôn là 1 dạng "chỉ thị", thì chắc chắn câu chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Dường như đang có 1 sự nhầm lẫn khi sử dụng công văn, 1 thứ của việc công, vào một việc mang tính tình cảm nhiều hơn.

Có lẽ sự động viên này là sai cách! Là lỗi của người lớn khi muốn bày tỏ tình cảm với con trẻ, nhưng lại vô tình làm cho một em bị mang tiếng xấu. Dẫu sao đây cũng chỉ là câu chuyện của người lớn, còn Quang Anh nếu được hỏi thì em sẽ biết gì để trả lời đây? Người lớn kêu gọi sự công bằng cho các em, nhưng cũng chính người lớn tự làm "sứt mẻ" điều này.

Sự phân biệt vùng miền và chỉ trích hoàn cảnh đầy ác cảm

Trong hàng loạt những bình luận được đưa ra, không khó để tìm thấy những lời nhận xét nặng tính phân biệt đối xử, đặc biệt là xúc phạm đến người dân Thanh Hóa. Càng đau lòng hơn khi những nhận xét này nhắm đến một em bé còn rất hồn nhiên, trong sáng. Giờ đây em lại đang trở thành "tấm bia đỡ đạn" cho hằn học của người lớn, cho sự phân biệt vùng miền.

Quang Anh sẽ thấy thế nào nếu như biết được quê hương - nơi mình sinh ra và lớn lên lại nhận phải những nhận xét không hay? Vì chưa nhận thức được hoàn chỉnh mọi vấn đề, em có cảm thấy xấu hổ về quê hương hay chính con người mình? Thiết nghĩ, mỗi con người Việt Nam việc đầu tiên nên làm chính là tôn trọng đồng bào, những con người cùng chung nguồn cội với mình.

Quang Anh đang phải "hứng chịu" sự kì thị xấu xí của người lớn 8

Quang Anh đang phải "hứng chịu" sự kì thị xấu xí của người lớn 9

Quang Anh đang phải "hứng chịu" sự kì thị xấu xí của người lớn 10

Quang Anh đang phải "hứng chịu" sự kì thị xấu xí của người lớn 11


Nếu suy nghĩ rằng việc một cô công nhân vệ sinh, quét rác, một cậu bé mắc bệnh hiểm nghèo và một gia đình sống khó khăn, chật vật là điều được đưa ra để câu khách thì bạn hẳn là người rất vô tâm. Nhiều khán giả xem The Voice Kids với tâm lí giải trí đơn thuần. Mọi chi tiết, thông tin, số phận trên các show thực tế được mặc định là đem ra để làm tăng tính hấp dẫn, kéo thêm rating. 

Sự nhẫn tâm của khán giả thể hiện ở chỗ họ không hề quan tâm gia cảnh nhà em khó khăn thế nào. Họ chỉ biết điều đó khiến họ khó chịu và cảm thấy không công bằng. Người giàu tham gia thi bị gán cho là "mua giải", người nghèo tham gia thi cũng bị cho là "mua giải"? Có lẽ người nghèo, gặp khó khăn ở đây không phải Quang Anh mà là rất nhiều người trong chúng ta. Vì em cũng chưa bao giờ kêu ca, hay đòi hỏi mình phải được sự ưu tiên đặc biệt nào.

Chúng ta nghèo nàn trong tình cảm, và gặp khó khăn trong nhận thức khi thấy đâu đâu cũng chỉ toàn màu đen.

Quang Anh đang phải "hứng chịu" sự kì thị xấu xí của người lớn 12

Tạm kết

Mỗi thí sinh nhí đến với The Voice Kids 2013 đều với mục đích được thỏa thích thể hiện đam mê, chứng tỏ bản thân và một phần nào đó muốn được mọi người khen ngợi. Chắc chắn rằng ở lứa tuổi này, các em sẽ chẳng biết gì về những định hướng lâu dài, sự nghiệp, tiền bạc, cát-xê... Những gì các em thể hiện là tài năng và sự chăm chỉ. Nếu có điều gì sai thì đều thuộc về phần người lớn: cách vận động bầu chọn, chia sẻ hoàn cảnh gia đình dễ gây hiểu lầm và cách bàn tán, phân biệt, chỉ trích "hội đồng" rất đáng phê phán.

Quang Anh đang phải "hứng chịu" sự kì thị xấu xí của người lớn 13

Đây là một cuộc chơi, thí sinh đến với The Voice Kids thể hiện tài năng là 1 mặt, mặt khác là muốn được phát triển ước mơ và nuôi dưỡng chúng trong môi trường lành mạnh nhất. Đừng để những toan tính thiệt hơn, những ganh đua lợi ích, sự ganh tị cá nhân khiến cho các tài năng nhí cảm thấy chạnh lòng và hụt hẫng. Đừng bắt trẻ con phải chịu đựng những nỗi ám ảnh của người lớn. Quang Anh hay Ngọc Duy, Mỹ Chi đều xứng đáng với những gì các em đạt được. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là xóa bỏ mọi ác cảm và ủng hộ các em với sự chân thành của bản thân.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More