Yêu phải người quá vô duyên

Có rất nhiều tình huống éo le mà bạn có thể gặp phải khi yêu một người kém duyên.

Nhận diện người kém duyên

Vô duyên trong lời nói: Có không ít cô nàng/anh chàng nói mà không nghĩ trước, buột miệng những lời không hay khiến người yêu đi bên bao phen “muối mặt” với người xung quanh.

Trường hợp của Minh Huy (21 tuổi, Đồng Nai) là một ví dụ. Trong một lần dẫn bạn gái đến thăm mẹ đang bị ốm ở bệnh viện, chưa kịp giới thiệu gì, cô người yêu vốn tính bộp chộp đã nhanh nhảu: “Con vội quá nên chưa có quà gì. Để lần sau bác nhé!”. Huy xấu hổ muốn chui xuống đất, ai đời, mẹ bạn trai bị ốm nằm viện lại bảo “để lần sau”. “Nói thế chẳng phải mong mẹ mình bị ốm nhập viện tiếp à. Mẹ mình chỉ cười trừ, chẳng nói câu nào”. Sau lần đó, Huy thể hiện thái độ ra mặt, còn cô người yêu nghĩ mình không nói gì sai nên tỏ ra dỗi hờn gần cả tháng.



Vô duyên trong đi đứng: Bạn đừng nghĩ rằng chỉ thông qua lời ăn tiếng nói mới đánh giá được “mức độ duyên – không duyên” mà qua cách đi, đứng, ngồi… cái sự duyên ấy cũng bộc lộ. Ví như Minh Anh (19 tuổi, Q. Bình Thạnh, TP HCM) chẳng hạn. Cô bạn kể: “Khi bước đi mình thường hay kéo lê dép và ngó nghiêng ngó dọc khắp nơi. Một hôm sang nhà người yêu chơi, bác gái rủ đi chợ cùng, cái thói quen lê dép xoèn xoẹt của mình làm ai cũng quay lại nhìn. Sau chuyện này, mẹ anh ấy cứ vin vào đấy mà đánh giá mình không có ý tứ, tướng đi vừa nhìn đã biết không phải con nhà tử tế,…”.

Vô duyên trong ăn uống: Oanh nổi tiếng trong trường là cô gái xinh đẹp, thế nhưng các chàng sau thời gian tìm hiểu, tán tỉnh lại thi nhau… “chạy mất dép”. Chả là cô nàng có nhược điểm ăn uống kém duyên vô cùng. Những lần hẹn hò đi ăn, các chàng không ít lần tròn xoe mắt với những âm thanh “chọp chẹp”, “soàn soạt” phát ra khi Oanh dùng cơm hay húp canh. Chẳng cần biết xung quanh có đông người hay đang đi với đối tượng nào, Oanh cứ tự nhiên ăn uống nhồm nhoàm như đang ngồi một mình trong phòng vậy. Đó vẫn chưa phải là đỉnh điểm. Có lần, Tuấn – anh chàng đang cưa cẩm Oanh chuẩn bị tỏ tình với cô thì có tiếng… “bum bủm” xì hơi thật to phát ra từ phía Oanh. Chàng trai giật mình quên mất điều định nói còn Oanh cười ha hả, chữa ngượng bằng câu nói còn “phô” hơn: “Ôi, lúc nãy ăn mấy hột mít mà giờ đã có tác dụng ngay”.

“Còn tùy là ở mức độ nào nữa, vì không ai dám khẳng định mình lúc nào cũng chuẩn mực 100%, không nói hớ bao giờ đúng không? Vì thế, nếu người yêu mình trót lỡ lời hoặc cư xử kém duyên thì mình sẵn sàng bỏ qua ngay. Nhưng nếu điều đó lặp lại quá nhiều lần thì mình phải xem xét lại. Đương nhiên góp ý là điều không thể thiếu nhưng với những chuyện nhạy cảm như thế này thì tế nhị là điều cần thiết.

Có thể khi nào chỉ có hai người với nhau mình nói về chuyện đó, bày tỏ quan điểm muốn người ấy cư xử khéo léo hơn. Còn ngay lúc “bị quê” vì người yêu trót vô ý thì có nhiều cách cư xử khéo léo để cứu màn thua trông thấy, đôi khi cũng có  thể chuyển “bại” thành “thắng”. Ví dụ như đánh lạc hướng chú ý của đối phương sang chuyện khác hoặc đỡ lời và giải thích ý của người ấy sang một hướng dễ chấp nhận hơn! Không nên tỏ ra bị động hoặc cau có lúc ấy!” – Tường Linh (20 tuổi -Học viện Hàng không) chia sẻ.

Là người khá thẳng tính và không thích một người vô duyên, Loan (22 tuổi, ĐH KHXH&NV TP HCM) cho biết: “Nếu người yêu mình có những hành động, lời nói hơi vô duyên thì mình sẽ yêu cầu anh ấy phải sửa đổi. Bản thân mình sẽ mất mặt, xấu hổ trước bạn và ngại nhất là giới thiệu anh ấy với những người thân bởi dù anh ấy có tốt tính đến mấy nhưng hành động vô ý cũng sẽ khiến mọi người nghĩ khác”.

Tỏ ra khá mềm mỏng và cảm thông cho bạn gái nếu chẳng may nàng có những hành động kém duyên, Minh Tân (Đà Lạt) cho hay: “Mình sẽ kể cho cô ấy nghe một câu chuyện, có thể là chuyện một người vô duyên nào đó rồi từ đấy dẫn qua chuyện kém duyên cần thay đổi kia. Mình không muốn người khác nhận xét không hay về người mình yêu nên sẽ giúp cô ấy thay đổi. Tình yêu có sức mạnh làm thay đổi nhiều thứ mà! Không phải ai cũng hoàn hảo, quan trọng là thấy sai và sửa sai được!”.

Tạm kết

Từ xưa, ông bà ta đã răn dạy con cháu phải biết “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Điều đó chứng tỏ lời ăn tiếng nói chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống. Minh chứng rằng vẫn có nhiều người dù bề ngoài không xinh đẹp lắm nhưng họ vẫn được rất nhiều người theo đuổi vì “cái duyên” ngầm, vì cách ăn nói, cư xử...

Lời nói chẳng mất tiền mua... . Người khác có thể đánh giá con người bạn qua những gì bạn nói, bạn làm. Vì thế, đừng vô tư quá mức hay nói mà không nghĩ, nó sẽ tạo ra những kết quả không như mong muốn. Chỉ cần bạn biết lắng nghe, biết học hỏi và sửa những khuyết điểm chưa được của mình, tin rằng bạn sẽ đẹp hơn rất nhiều trong mắt những người xung quanh.


0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More